.

Vì sao vậy?

Những tin tức bất an trong đời sống, mỗi ngày đổ về một nhiều. Dường như cùng với mức thu nhập bình quân tăng thì tỷ lệ thuận với nó là sự mất an toàn, mất yên ổn trong cuộc sống của mọi người cũng tăng theo. Chỉ trong vòng một tháng, rộ lên rất nhiều tin về hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại tràn lan.
 
Phân bón giả, cướp không của hàng triệu nông dân hàng chục tỷ đồng. Bánh Trung thu kém chất lượng, nhái nhãn hiệu, kẹo Trung thu trộn thêm hàng tấn bột đá vôi, cũng là một thứ hàng giả. Hàng trăm cây xăng giả mạo loại xăng, dầu, đo đếm để móc túi khách hàng. Gần 20% số xe tắc-xi được kiểm tra lộ ra các mánh khóe gian lận nhằm bóc lột khách hàng. Người ta ngâm cá phi lê vào nước trước khi đông lạnh để tăng cân…

Cùng với hàng giả và các mánh khóe gian lận thương mại là sự tàn phá dã man an toàn môi sinh vì mục đích lợi nhuận. Việc phát hiện Công ty Vedan Việt Nam suốt 14 năm nay, bằng hành vi cố ý xả mỗi tháng khoảng 44.800 m3 nước thải độc hại trong quá trình sản xuất bột và bột ngọt từ củ sắn không qua xử lý xuống sông, giết chết dòng sông Thị Vải, biến hơn 10 km sông trong lành trước đây thành một vùng hôi thối, ô nhiễm, không động vật thủy sinh nào sống nổi, mang bệnh tật đến cho hàng chục nghìn người đang làm chấn động dư luận.

Không chỉ trong nước, thế giới đang xôn xao trước việc gần 53.000 trẻ em Trung Quốc, đa số là dưới 2 tuổi đã bị nhiễm chứng sạn thận, trong đó có ngót 13.000 cháu phải vào bệnh viện, một số cháu đã chết do bị sỏi thận có nguyên nhân từ dùng sữa tươi, sữa bột có chất melamine, một chất nguy hiểm có trong sữa của nhiều công ty chế biến sữa Trung Quốc.
 
Người tiêu dùng Trung Quốc hốt hoảng. Hàng chục nước từng nhập sữa của Trung Quốc lập tức cấm nhập thêm và thu hồi ngay sữa Trung Quốc đã nhập, trong đó Bộ Y tế nước ta vừa quyết định cấm sử dụng và thu hồi 18 tấn sữa nhập khẩu loại này. Sau việc thải chất độc hóa chất đầu độc cả một dòng sông từng hấp dẫn khách du lịch, phát hiện có hóa chất độc trong đồ chơi trẻ em bằng nhựa, vụ sữa có melamine hiện nay đã đưa uy tín thương mại của Trung Quốc đến trước thảm họa. Người ta đặt ngang hàng vụ sữa Trung Quốc với các sự kiện thị trường bất động sản Mỹ đang chao đảo chưa từng có hoặc quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga đang ngày một gia tăng đến mức nguy hiểm.

Những việc động trời đó, dù ở trong hay ngoài nước đều có chung một nguồn gốc là khi nền kinh tế còn trong giai đoạn cạnh tranh sơ khai thì việc lấy lừa gạt, trấn lột khách hàng, phá hoại môi trường “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” làm phương châm kinh doanh là phổ biến. Thời kỳ tự do cạnh tranh này sẽ phải chấm dứt để thay vào đó là thời kỳ thắng hay thua do chất lượng hàng hóa thấp hay cao, giá cả rẻ hay đắt quyết định. Tình trạng cạnh tranh hỗn độn đó dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chắc chắn vai trò của các cơ quan quản lý rất quan trọng.

Để rõ hơn vai trò của các cơ quan quản lý, hãy thử quan sát cách giải quyết một vụ việc gần đây nhất. Trước những “xì-căng-đan” thiệt hại hàng tỷ USD, đe dọa uy tín của cả nền kinh tế, giới hữu trách Trung Quốc đã làm gì? Người ta lập tức xin lỗi giới tiêu dùng thế giới, khẩn trương thu hồi hàng đã bán và đền bù thiệt hại các nhà nhập khẩu; kiểm tra và đình chỉ lưu hành sản phẩm không đủ tiêu chuẩn trong toàn quốc; huy động hệ thống y tế chữa bệnh miễn phí cho hàng vạn nạn nhân.

Nhiều quan chức phải chịu trách nhiệm trong những vụ đồ chơi trẻ em, sữa gây sỏi thận đã phải từ chức hoặc bị đưa ra tòa. Thái độ thành khẩn, rốt ráo và minh bạch này đã để lại ấn tượng tốt trên trường quốc tế. Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố không tiến hành các cuộc kiểm tra độc lập về sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc nữa vì cách xử lý của Chính phủ nước này rất đáng tin cậy.

Còn chúng ta? Tuy đã có một vài vụ được xử lý nhưng nhìn chung còn biết bao vụ nhiễm độc thực phẩm tập thể, biết bao vụ gian lận thương mại, buôn lậu; biết bao nhiêu vụ làm hàng nhái, hàng giả bị phát hiện và tình trạng ô nhiễm môi trường phơi bày trước mắt, công luận lên tiếng gay gắt nhưng ồn ào một thời gian rồi lại đâu vào đó. Người ta tìm đủ mọi lý do đổ lỗi cho người khác hoặc xuê xoa để không ai phải chịu trách nhiệm, không ai bị thay đổi chỗ ngồi, nếu có chăng, chỉ những người ít thế lực, những con bò sữa công cộng là chịu thiệt. Vì sao vậy?

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.