.

43 thành… bốn hại

Tin từ báo chí cho biết, do cách tính điểm tréo ngoe từ Quy chế 43/2007/QĐ-BGD-ĐT của Bộ GD-ĐT, nên ở Trường ĐHBK Đà Nẵng hiện nay, 1.017 sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học vĩnh viễn (TN 10-10-2008)! Quả là chuyện ở thế kỷ XXI mà giống như chuyện đùa.

Nếu theo cách tính theo thang điểm 10 thì hơn một ngàn SV nói trên có kết quả từ 5,0 đến 5,4 điểm – nghĩa là thừa sức qua môn. Thế nhưng, theo cách tính theo Quy chế 43 thì từ 5,0 đến 5,4 điểm lại thuộc vào diện trung bình yếu = 1 điểm theo thang điểm 4. Tai họa hơn, nếu trong 15 tín chỉ, chỉ cần 1 môn học bị điểm dưới 4 sẽ lập tức bị quy thành điểm 0 và kết quả của 15 tín chỉ sẽ là 0,93 điểm - tức phải thôi học vĩnh viễn.

Sai lầm bắt đầu từ Quy chế 43! Quy chế này, xét cả so với cũ lẫn yếu tố “mới”, có 4 cái tai hại. Trước hết, cái hại thứ nhất, phần sai thuộc về Bộ chủ quản vì đã không phổ biến đến nơi đến chốn cho cả người học lẫn người chấm nên mới dẫn đến sự thể dở khóc dở cười. Thống kê cho biết, chỉ có 150 trong 1.017 SV chây lười, bỏ học. Vậy tại sao chỉ cần thay đổi cách tính là ngay lập tức biến gần một ngàn con người từ có tri thức thành không một cách đột biến và lạ kỳ như thế? Từ sự bất cập trên nảy sinh câu hỏi về cái hại thứ hai. Căn cứ vào đâu để Bộ GD-ĐT đặt ra mức phân biệt trung bình (5,5 trở lên) và trung bình yếu (5,4 trở xuống đến 4 điểm)? Đã là trung bình thì dù yếu hay không vẫn cứ là trung bình. Đó là nguyên tắc logique của vấn đề.
 
Cụm từ “trung bình yếu” hay “trung bình khá” chỉ là văn nói, thường được sử dụng trong ngôn ngữ của người thầy khi muốn răn đe hay động viên tinh thần của sinh viên. Trong kho từ vựng của khoa học chính xác (tức quy chế), không thể coi cách nói ấy là một tiêu chí để phân loại. Do vậy, một khi đã mặc nhiên là trung bình (điểm chữ là D – theo cách tính của Mỹ) thì đương nhiên không thể gạt bỏ kết quả học tập. Cái hại thứ ba, đó là chưa nói chuyện rập khuôn hoặc cải tiến thành ra cải lùi một cách máy móc nên mới có chuyện 4 điểm cũng trung bình yếu như là 5,4 điểm (?).

Ai đã từng biết chuyện học là nghiêm túc, khách quan thì lẽ dĩ nhiên không thể đồng tình với “cách hiểu” của Bộ GD-ĐT rằng người 4 điểm có trình độ ngang với 5,4 điểm; và người 3,9 điểm tương đương với người không điểm. Mặt khác, quy định từ Quy chế 43 cho rằng đỉnh của điểm trung bình là 6,9 và đỉnh của điểm khá là 8,4; thực sự là một sai lầm tai họa. Học những môn như môn triết mà có điểm trên 8 vẫn chỉ là khá thôi thì chỉ có cán bộ cao cấp của Bộ mới học được. Còn lại, hầu hết cả thầy lẫn trò của tất cả các trường đại học đều phải chào thua. Cái hại thứ tư, tại sao lại là thang điểm 4 mà không phải là 5? Không cần thiết phải có mức điểm không vì việc học hành, điểm 1 cũng đủ để răn đe và đau đớn lắm rồi. Mặt khác, trong tâm lý người Việt, điểm 5 bao giờ cũng thể hiện con số tốt, tại sao lại ngang nhiên phế bỏ?

Đã là thay đổi, dù theo cách nào đi nữa thì nguyên tắc tối thượng vẫn là hướng đến sự tốt đẹp, giảm đỡ phiền hà, thuận lợi cho người dân. Không thể trong phút chốc, chỉ cần quan trên đổi tính đổi nết một chút là lập tức có cả ngàn con người phải chịu họa theo.

Tại sao ban hành một quy chế liên quan đến sự sống còn của một nền giáo dục mà lại không tính kỹ đường đi, nước bước? Ai dám bảo đảm các trường ĐH khác không rơi vào tình trạng này? Lẽ tất nhiên, Trường ĐHBK Đà Nẵng sẽ không thể nào đuổi một lúc cả ngàn người. Nếu thế thì chắc chắn sẽ tan mất trường, hỏng mất nghiệp học vấn. Vì thế, hồi sau của “tiểu thuyết” này sẽ là trường “vận dụng”, còn Bộ thì “điều chỉnh”. Hệ lụy tiếp theo sẽ là Quy chế 43 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã trở thành tiếng cười đầy nước mắt cho cả thầy và trò cả nước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai vừa rồi, dư luận đã chứng kiến không ít tri thức đột biến từ xấu thành tốt như trong thần thoại. Bây giờ là đột biến ngược lại. Sinh viên đang học, bỗng nhiên bị buộc thôi học vĩnh viễn! Đây không hề là chuyện nhỏ một chút nào. Cải cách giáo dục mà “khoa học, đổi mới” theo cách đó chỉ càng làm khổ thêm người học mà thôi.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.