.

A Byưh & A Trâm

Những năm chiến tranh chống Mỹ, hầu như không ai là không biết câu hát “Ngủ ngon A Kay ơi…”. Cảnh người mẹ địu con để vừa làm nương vừa tham gia nuôi bộ đội là một trong những hình ảnh cảm động và nhiều ấn tượng nhất của chiến tranh giải phóng. Nhưng dù sao, đấy cũng là câu chuyện của đời thường về cái lẽ, cái nhân ái tất nhiên của tình mẫu tử.

Gần 40 năm đã qua, giống như hoa giữa muôn ngày, cứ nở suốt bốn mùa. Rất nhiều những mẩu chuyện cảm động về “Lưu Bình - Dương Lễ ngày nay” được báo Tuổi Trẻ đăng tải đã thu hút sự quan tâm, tình cảm của đông đảo bạn đọc. Trong đó, câu chuyện về A Byưh cõng A Trâm đi học suốt 5 năm qua thật sự làm chúng ta xúc động.

Những ai đã từng gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là ĐHKH Huế) những năm cuối thập niên thứ tám của thế kỷ trước không thể không biết chuyện nữ sinh viên Nguyễn Thị Phi Nga (nhà ở 316/13, Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng) đã cõng sinh viên bị liệt hai chân Trần Thị Phương Liên (người Huế) suốt 4 năm ròng rã. Bây giờ, chị Nga đang công tác ở Hội LHPN thành phố Hà Nội, còn Phương Liên - sau khi có bằng cử nhân lịch sử, với ý chí tự học, đã trở thành một giáo viên Nhật ngữ xuất sắc ở thành phố Huế.

Chuyện của A Kay là từ lời thơ và tiếng hát, còn hai câu chuyện, một từ trường đại học, và một là từ làng Klâu Ngol Zố, Ya Chim, Kon Tum dẫu cách xa nhau về khoảng cách, khác nhau về thân phận nhưng đều có một điểm chung duy nhất, đúng như những lời ngợi khen trong bức thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đó là “tinh thần, ý chí vượt khó…

Tình bạn trong sáng, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau” của những con người trẻ tuổi. Cho đến tận bây giờ, bất kỳ thầy, cô giáo, hay sinh viên nào đã từng ở Huế những năm 1977-1981 đều không thể quên hình ảnh của Phi Nga - Phương Liên. Để cắt nghĩa vì sao hai con người từ hai vùng đất xa nhau lại có thể thương yêu nhau vững bền và “lạ kỳ” đến như thế, chỉ có thể tìm thấy câu trả lời từ sự chân thành, rộng lớn của trái tim người!

A Byưh và A Trâm chắc không thể biết những người chị như Phi Nga - Phương Liên, nhưng tình bạn của hai em đã trở thành một tấm gương rực sáng về tình người thủy chung, về lòng quyết tâm vươn tới ánh sáng chân chính của kiếp người. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm và cuộc sống trở nên đáng quý biết chừng nào một khi những tâm hồn bé bỏng như A Byưh, A Trâm được nhân lên, tỏa rộng.

Chuyện của 30 năm trước và chuyện của hôm nay cứ đan chặt với nhau trong cái dòng chảy liền mạch của yêu thương và nhân nghĩa. Dù cho cuộc sống vẫn còn không ít những điều ác, điều xấu thì câu chuyện của những con người trẻ tuổi như A Byưh, A Trâm là những ngọn lửa nồng ấm xua tan mọi lạnh lẽo, sai trái của cuộc đời.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.