.

Án treo

Trước việc các phiên tòa xử án tham nhũng trong năm qua có quá nhiều án treo – 267/700 bị cáo, ông Trần Thế Vượng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề về chuyện có hay không sự nương nhẹ đối với loại tội phạm đặc biệt này và nhận xét bước đầu là, “treo nhiều quá” (Tuổi Trẻ Cuối tuần 12-10-2008)!

Trước hết, phải thấy rằng tham nhũng mà đã ra tòa thì không có vụ nào dưới hàng trăm triệu đồng. Đó là số tiền lớn gấp hàng trăm lần so với chế tài trong luật hình sự (sẽ phải truy tố khi số tiền cho hoặc nhận từ 500.000 đồng trở lên). Ngay ở thông số đầu tiên này, sự bất cập đã lộ đủ hình dạng của sự nương nhẹ. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là một khi đã nương nhẹ đối với loại tội phạm tham nhũng hoặc như dân gian vẫn nói là giơ cao đánh khẽ như thế thì làm thế nào để chấm dứt nó? Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã một lần nữa khẳng định rằng, nếu không thành công trong công cuộc chống tham nhũng thì đừng nói đến phát triển và tồn tại, vì đây là vấn đề sinh tử của chế độ, của Đảng (TT, 9-10-2008).

Thực tế cho thấy nếu “kiếm” được vài tỷ hoặc vài trăm triệu đồng, sau đó hưởng án treo rồi hòa cả làng thì vẫn lãi hơn rất nhiều nếu đem so với tiền lương trong mấy chục năm trời “cống hiến”. Lời giải của bài toán này ngay cả trình độ sơ cấp cũng làm được. Câu hỏi tiếp theo của vấn đề là, một khi không có sự đột phá, không mạnh tay, thì phải chăng luật pháp đang vô hình trung “tiếp sức” cho loại tội phạm này sinh sôi nảy nở hay không? Hình phạt nhẹ như không là sự “bảo đảm bằng vàng” để các mưu toan hành ác không chờn, không sợ.

Đây là nguyên tắc sáng rõ như ban ngày. Những bài học nhãn tiền từ các vụ như Vedan, Wash CIVIC (Đồng Nai), Miwon (Phú Thọ)... là rất nhiều, trong số đó có hai bài học căn bản. Một là, sở dĩ dám làm càn, bức tử các dòng sông trầm trọng như thế là vì các công ty biết rõ luật pháp gần như bó tay. Luật không xử được cũng chẳng khác gì chuyện xử bằng án treo. Hai là, sự dung túng, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng vẫn chưa bị truy cứu, không có ai từ chức hay bị cách chức, mặc dù người dân biết rõ không thể có chuyện làm ngơ dài lâu và nguy hiểm đến thế nếu không “tham nhũng” tài nguyên của đất nước thông qua phong bao, phong bì từ các công ty đáng sợ trên (!)

Vấn đề sẽ càng đáng lo ngại hơn nếu chúng ta thấy rằng đang hình thành một thứ đáng sợ là “văn hóa treo”. Án dân sự bị treo hàng ngàn vụ do tòa tuyên không rõ nên không thể “vận dụng”. Các dự án khống theo kiểu “xí phần” để sang nhượng thành B1, B2, B3 đầy rẫy khắp nơi, “treo” thiệt hại tiền dân của nước lên đến nhiều ngàn ngàn tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục bị treo đủ cách, đủ kiểu - chẳng hạn đào tạo chui đến 8 năm trời mà Bộ GD-ĐT không biết; Trường ĐH Phú Xuân chỉ có 3 TS cơ hữu nhưng đào tạo đến 12 mã ngành; do cách tính điểm bất cập theo Quy chế 43/2007/QĐ-BGD-ĐT mà cả ngàn sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học vĩnh viễn (TN, 10-10-2008)... Đó là chưa nói đến chuyện các trung tâm xuất khẩu lao động thường xuyên treo đầu dê để bán thịt... lừa(!), làm cho hàng ngàn người phải lâm vào cảnh chết dở, sống đau...

Dẫu cố hiểu và cố lý giải theo cách nào đi nữa thì vẫn phải nhìn thẳng vào một sự thật rằng, tất cả những án treo và “văn hóa treo” ấy đang xói mòn rất nhanh những nấc thang giá trị cơ bản của xã hội, gây nên những hệ lụy khó lường. Không nói thẳng và nhìn thẳng vào sự thật này thì e rằng hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Án treo và căn bệnh không thể từ chức, tiếp tục tham nhũng, đổ lỗi cho người khác, nguyên nhân khác, là bạn đồng hành. Sự không rạch ròi của luật pháp bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên gây nên các hệ lụy nguy hiểm đối với sự ổn định và phát triển. Bài học của thế giới có rất nhiều: Ở đâu mà luật pháp nghiêm minh, sai phạm được xử đúng người, đúng tội; ở đó có  nhiều sự lành mạnh và tích cực.

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.