Rừng đặc dụng Nam Hải Vân liên tục “chảy máu” bởi nạn phá rừng. Không ít bài báo gióng chuông báo động, không ít cuộc họp của chính quyền quận Liên Chiểu với các ngành chức năng: Ban Quản lý rừng, Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng, Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hải Vân… bàn về cách để bảo vệ rừng.
Cuộc họp nào cũng “nóng rực” bức xúc của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo đơn vị có liên quan. Thế nhưng cuộc họp nào cũng thế, chỉ như một động thái phản ứng tiếp thu ngay ý kiến phê bình trên báo rồi đâu lại vào đấy. “Máu” rừng tiếp tục chảy cho đến khi… có bài báo mới phản ánh nạn phá rừng thì lại họp. Điệp khúc “báo chí phản ánh phá rừng - họp” lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay mà không thấy rừng hết chảy “máu”.
Cuộc họp nào cũng đưa ra giải pháp nhưng việc triển khai trên thực tế thì không thực hiện được. Cơ chế phối hợp như thế nào? Ai chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị đến đâu vẫn chưa được phân định một cách rạch ròi. Hãy nghe những câu đối thoại của đại diện các ngành liên quan tại cuộc họp mới đây do UBND quận Liên Chiểu tổ chức.
Chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc thắc mắc: Gỗ vườn trên địa bàn phường rất ít tại sao quận lại cấp phép hoạt động đến 6 xưởng cưa ? Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu: Chủ rừng là BQL nên trách nhiệm thuộc về BQL là chủ yếu. BQL rừng đáp lại: Rừng đặc dụng Nam Hải Vân mà để BQL chịu trách nhiệm thì chúng tôi bó tay… Như vậy người nghe có thể nhận ra nhân vật “không ai cả” là người phải chịu trách nhiệm chính vì để xảy ra nạn tàn phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Lâm tặc là ai? Điều đó không khó để xác định. BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân không ít lần có báo cáo nêu đích danh một danh sách gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú của những lâm tặc, những đầu nậu tiêu thụ gỗ lậu cùng hành vi vi phạm gửi cho Chi cục Kiểm lâm.
Thực tế chưa có lâm tặc hay đầu nậu tiêu thụ gỗ nào bị xử lý cả, ngoài vụ việc duy nhất lâm tặc phá barie của Trạm Kiểm lâm để vào chở gỗ thì bị tai nạn chết người (ngày 9-9-2007) mới bị Công an điều tra xử lý. Tại cuộc họp vừa nêu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng bất bình vì chưa có ai phá rừng bị xử lý theo pháp luật. Các xưởng cưa đều bị lập biên bản không dưới hai lần vì xẻ gỗ lậu vẫn hoạt động thường xuyên, dù không chứng minh được nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp.
Không lẽ chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan đành bất lực trước nạn phá rừng khi biết rõ tên tuổi lâm tặc là ai. Ông Chủ tịch quận đã khẳng định tại cuộc họp này: “Không phải không làm được mà có làm hay không mà thôi”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định và quy được trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc bảo vệ rừng. Nếu không, họp rồi vẫn thế, “máu” rừng vẫn chảy và “không ai cả” vẫn là người phải chịu trách nhiệm về việc này (!).
YẾN VY
.
.
Cái gốc là chế độ trách nhiệm
Thứ Ba, 28/10/2008, 07:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.