Trong mấy ngày qua, nhiều nguồn nghiên cứu khách quan đã đánh giá rất tốt về sự tiến triển đáng ghi nhận của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đây cũng là lúc mà các nhà kinh tế học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp chớ vội chủ quan mà cho rằng nền kinh tế nước ta đã thoát khỏi đe dọa…
Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận khả năng xử lý các khó khăn kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua là rất đáng chú ý (TT&VH, 28-10-2008). Hãng tin BBC, trong bài “Lạm phát tháng 10 giảm còn 26,7%” (26-10-2008), đã dẫn nguồn từ AFP nói rằng “đây là mức giảm lạm phát lần đầu tiên được ghi nhận trong suốt hai năm rưỡi qua”.
BBC cũng nói, đó là “hệ quả của việc cắt giảm giá năng lượng, nhiên liệu trong nước và là hệ quả của các biện pháp thắt chặt tín dụng của hệ thống ngân hàng quốc nội… là một trong loạt giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ thực thi nhiều tháng qua nhằm kiềm chế lạm phát”. Như vậy, có thể khẳng định rằng các giải pháp “cả gói” trong mấy tháng vừa qua của Chính phủ đã thực sự “cứu” nền kinh tế nước ta ra khỏi cơn lốc của suy thoái toàn cầu - lớn nhất kể từ năm 1929. Đó là một tín hiệu thật đáng mừng.
Đáng mừng hơn nữa là bất chấp khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đăng ký vốn (cấp mới và tăng thêm) lên đến 59,31 tỷ USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu trên cho biết một sắc màu của sự khỏe mạnh và ổn định của nền kinh tế là hoàn toàn thực tế. Tuy nhiên, đây là lúc cần phải tỉnh táo hơn bao giờ hết, bởi chỉ cần một sự chủ quan hay ngộ nhận nào đó là có thể dẫn đến những nguy hại khó lường.
Thứ nhất, nhập siêu 25 tỷ USD là một vấn nạn cần phải canh chừng và điều tiết hợp lý. Tiết giảm tất cả các khoản chi tiêu (kể cả các hạng mục đầu tư không cần thiết) phải được coi là nguyên tắc ưu tiên vì đó là một trong những con đường ngắn nhất để đẩy lùi lạm phát.
Thứ hai, ảnh hưởng của sự suy thoái của các nền kinh tế lớn đối với nước ta mặc dù không dữ dội nhưng vẫn luôn là khó lường. Dấu hiệu rõ nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường châu Âu và Mỹ đang giảm - kể cả việc châu Âu cố tình đan lồng các yếu tố chính trị vô lối để gây sức ép về kinh tế.
Thứ ba, làm sao có thể cắt giảm lạm phát tốt hơn khi các ngành độc quyền như điện, xăng dầu cứ tiếp tục đủng đỉnh bên lề của sự đòi hỏi từ thị trường? Chẳng hạn, giá dầu thế giới giảm từ 157 USD/barel xuống mức 60 USD mà ở ta chỉ giảm hai lần có 1.000 VNĐ(!?) Mức thưởng dự kiến của EVN là 1.002 tỷ đồng – có nghĩa là, cùng với chuyện thưởng, giải ngân của nhiều ngành kinh tế, khối cơ quan hành chính, sự nghiệp khác sẽ đổ một khối lượng tiền tệ khổng lồ ra thị trường. Sự gia tăng lạm phát sẽ không thể tránh khỏi.
Thứ tư, giá dầu giảm đồng nghĩa với việc thất thu ngân sách từ ngành khai thác dầu khí; các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải “chạy” để đua với sự tồn tại một khi sức mua của thị trường giảm sút; 50.000 tỷ đồng đọng vốn ở các ngân hàng – quá nhiều ngân hàng, nhưng không thể cho vay, luân chuyển là một sự thách thức không nhỏ; Tết đang đến gần cùng với sự lãng phí và tâm lý tiêu dùng thiếu kiềm chế sẽ làm đảo lộn, thậm chí là gây sốc đối với nền kinh tế…
Ngay bây giờ, chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hơn nữa. Thậm chí, nếu cần, phải hy sinh tốc độ tăng trưởng phần nào đó – có thể gọi là thiểu phát, để “thiết lập lại trật tự” của nền kinh tế bấy lâu nay đang khó kiểm soát. So với các nước láng giềng, lạm phát của nước ta cao hơn gấp mấy lần. Vì thế, những thành công đã được ghi nhận mới chỉ là “gần đạt tới cái bình ổn cần thiết” chứ chưa phải là điều thật sự đáng mừng. Vậy nên, chớ vội chủ quan!
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Chớ vội chủ quan
Thứ Năm, 30/10/2008, 07:54 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.