.

Choáng

Một sự kiện gây “choáng” trong dư luận, kéo dài suốt mấy tuần qua, không thua gì các sự kiện “hot” khác, đó là việc trong đêm văn nghệ kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty FPT của Trường Đại học FPT Arena, một đôi nam sinh viên đã múa khỏa thân trước sự chứng kiến và cổ vũ nồng nhiệt của hàng chục bạn gái họ, chắc đa số cũng là nữ sinh viên.

Đi tìm nguồn gốc của vụ “xì-căng-đan” động trời này, người ta biết thêm rằng đây không chỉ là một việc làm “bốc trời” đột xuất của vài ba sinh viên hư hỏng mà từ nhiều năm nay, trong Công ty FPT đã có rất nhiều “sinh hoạt văn hóa” rất đáng… ngượng. Chẳng hạn như ít năm trước, trên website của công ty có hẳn một chuyên mục “thơ” dành cho bất kỳ ai muốn đăng tải các bài văn vần tục tĩu lên mạng Internet, có ai đó phàn nàn thì liền được giải thích đó là biện pháp xả stress ngoài giờ làm việc.

Tương tự như vậy, trong công ty hiện tồn tại nửa công khai một “Tuyển tập STICO” (đọc là sờ-ti-cô), trong đó tập 1 (nhại lời các ca khúc) có độ dày đã gần trăm trang. Đây là các “nhạc phẩm” đã được các cán bộ, nhân viên công ty trình diễn nhiều lần ở nhiều nơi, hầu hết là quanh bàn nhậu, có lần lên sân khấu lớn hẳn hoi. Khó có đủ sự “dũng cảm” để trích ra đây những lời nhại ca khúc truyền thống, ca khúc trữ tình, ca khúc cách mạng, dân ca… trong cái mớ hổ lốn vô văn hóa này, chỉ chọn ra vài câu thuộc loại “sạch sẽ” nhất kiểu như: Này anh em ta/Má kề má, mông kề mông/Chung một đệm bông/Cái giường nóng bỏng chúng ta ở trong...

Không chỉ ở FPT, có thể thấy chưa bao giờ có nhiều những hành vi bạo lực, tội ác, những sinh hoạt đồi trụy, các quan niệm quái gở như “sống thử”, “giải thoát sự trinh trắng” trong nhà trường như hiện nay. Tình trạng đáng lo ngại đó do đâu? Do tác động xấu bởi sự lan tràn của những hình ảnh xấu qua phim ảnh, băng đĩa nhạc, sách báo? Đúng, nhưng không là tất cả. Do mặt trái của cơ chế thị trường xâm nhập vào trường học? Đúng, nhưng chỉ một phần.

Nền kinh tế thị trường đã tồn tại ở hầu khắp các nước trên thế giới hàng trăm năm nay, sao trẻ con của họ vẫn ngoan. Do tác động các mặt tiêu cực trong đời sống xã hội lên trẻ em và nhà trường? Đúng, nhưng ngay trong một làng, một phố, cùng chung một môi trường xã hội, vẫn có những trẻ em ngoan và không ngoan.

Cuối cùng, sau bao nhiêu nguyên nhân khách quan, phải tính đến nguyên nhân chủ quan từ phía những người quản lý nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên. Không thể có nhiều học sinh hư nếu tất cả các thầy cô giáo đều tử tế. Không thể có nhiều sản phẩm - con người kém phẩm chất nếu môi trường giáo dục (nhà trường và gia đình) tốt. Bài học FPT, bài học Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin in truyện tranh gợi dục cho các em là những thí dụ trong nhiều thí dụ gần đây.

Nhưng chúng ta hãy nghe: “Chúng ta đã làm những điều chưa ai dám làm. Chúng ta là những anh hùng” (đại ý những tờ rơi ở cổng Trường Đại học FPT ngay trong buổi sáng công bố quyết định hai sinh viên bị đình chỉ một năm học sau sự kiện họ múa khỏa thân). “Thật là buồn. Khi Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vào cuộc thì chúng tôi hiểu sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát” (trả lời của một người có trách nhiệm của Trường Đại học FPT trong một bài báo có phần “thông cảm” trên tờ TT-VH của TTXVN).
 
Chỉ cần những câu trích đó thôi đủ thấy những người nói chưa đau xót về những việc vừa xảy ra, họ mới coi đó là một “tai nạn”, một chuyện “không may” cho thầy trò của trường khi những chuyện “nội bộ”, “không đáng gì” bị lọt ra ngoài.

Thái độ ấy mới là điều đáng lo ngại nhất, nó “hồn nhiên” cho chúng ta biết một sự thật, đó là quan niệm về đạo đức, về văn hóa của một bộ phận thanh niên, của một số thầy cô giáo bây giờ đã xuống cấp đến mức nào.

PHẠM VŨ

 

;
.
.
.
.
.