Cách đây không lâu, sau nhiều ngày tranh cãi quyết liệt, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật bình ổn kinh tế khẩn cấp 2008 cùng với gói cứu trợ dành cho hệ thống tài chính ngân hàng lên đến 700 tỷ USD. Sau động thái được cả thế giới mong đợi này, cứ tưởng tình hình sẽ được cải thiện, lòng tin thị trường sẽ được củng cố, và cơ may phục hồi của các thể chế tài chính Mỹ cũng như toàn cầu sẽ khởi sắc hơn lên.
Nhưng thực tế lại không diễn ra như mong muốn, thậm chí khác xa so với những gì mà các nhà phân tích đã dự báo. Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tụt dốc sau khi đạo luật được ban hành và giảm điểm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nghiêm trọng hơn, hội chứng khủng hoảng đã nhanh chóng lan rộng sang phần lớn các nước thuộc khu vực châu Âu, Nga, Brazil, kể cả Trung Đông... Phát sinh thêm nhiều tổ chức ngân hàng hàng đầu ở Anh, Đức... bị lâm nạn, buộc phải sáp nhập, hợp nhất hoặc chính phủ phải ra tay giải cứu khẩn cấp.
Thậm chí một số nước thuộc Liên minh châu Âu như Ireland đã đơn phương hành động ra ngoài khuôn khổ chung bằng cách tuyên bố bảo hiểm 100% cho các khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhằm tránh tình trạng “Vỡ nợ quốc gia”. Trong lúc các nước thuộc Liên minh châu Âu vẫn còn bất đồng sâu sắc về một kế hoạch giải cứu chung, các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như IMF, WB đang loay hoay tìm giải pháp, thì khủng hoảng đã lan đến tận khu vực châu Á – Thái Bình Dương, buộc ngân hàng trung ương một số nước như Nhật Bản, Australia, Singapore, Hàn Quốc... phải hành động khẩn trương, tiến hành cắt giảm lãi suất, bơm mạnh tiền ra lưu thông để bảo đảm thanh khoản...
Rõ ràng tầm mức của cuộc chấn động tài chính ngân hàng khởi phát tại Mỹ đã vượt ra ngoài dự đoán, và trong thời gian sắp tới đây, chúng ta vẫn chưa thể lường hết được những khó khăn, thách thức do biến cố đại khủng hoảng này gây ra trên phạm vi toàn cầu. Không giống với những hình thức khủng hoảng khác, khủng hoảng về tài chính - tiền tệ luôn đi kèm với sự phá sản về lòng tin của cộng đồng, chính vì vậy hậu quả diễn ra rất nghiêm trọng, bất ngờ, sức lan tỏa đặc biệt nhanh trên phạm vi rộng, trong khi đó năng lực ứng phó khủng hoảng lại trông chờ phần lớn vào quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đây lại chính là yếu điểm “tử huyệt” của phần lớn các nước đang phát triển.
Còn nhớ khủng hoảng tài chính năm 1997, trong khi phần lớn các nước Đông Nam Á đều lâm vào tình cảnh phá sản, buộc phải quay sang cầu cứu vay nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để bù đắp và cân bằng cán cân thanh toán, chỉ riêng Singapore vượt qua khủng hoảng nhờ vào thực lực kinh tế mạnh và Malaysia thoát hiểm được do đơn phương áp dụng giải pháp ngoại lệ chưa từng có tiền lệ, đó là “đóng băng” tất cả các tài khoản ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài và áp đặt chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Một lần nữa, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới đã cho thấy một bài học cực kỳ quan trọng về sự kết hợp chặt chẽ giữa năng lực quản trị quốc gia trong mối quan hệ hợp tác chung với các thể chế tài chính trong khu vực và quốc tế.
Trong xu thế hội nhập, mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương và đa phương giữa các nước đã và đang phát triển mạnh mẽ, đi kèm với sự liên thông mật thiết về thị trường vốn và tiền tệ thông qua các kênh thanh toán, ngoại hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, viện trợ phát triển... Có thể cho rằng, đặc điểm lớn của kinh tế toàn cầu hiện nay là sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường nội địa và nước ngoài, trở thành một trong những nhân tố quyết định đến sự thịnh vượng và tính năng động của từng quốc gia.
Với đặc điểm là nền kinh tế chủ trương hướng ngoại, Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng về xuất - nhập khẩu, có thể tận dụng nhiều lợi thế đối ngoại để đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu theo vùng lãnh thổ hiện nay, có thể nói Mỹ và châu Âu là hai trong số những thị trường tốt nhất, bởi vì Việt Nam đang hưởng lợi lớn do xuất siêu cao từ các khu vực này.
Thực tế này một mặt có ảnh hưởng rất quan trọng đến hiệu quả kinh tế đối ngoại của đất nước, nhưng mặt khác lại đặt ra nhiều vấn đề chiến lược đáng quan tâm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan tràn. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, phải chủ động nhận thức đúng tình hình, chủ động nâng lên tầm đại sự quốc gia trong việc sớm hoạch định ra một phương án tổng thể nhằm đánh giá những tác động và đối phó có hiệu quả trước nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp.
THANH THỦY
.
.
Chủ động nhận thức và đối phó tình hình
Thứ Sáu, 10/10/2008, 07:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.