.

Hai chuyện ngược nhau trong một ngày

Đời tôi không có nhiều ngày để nhớ bởi một lẽ giản đơn là những ngày vui ít lắm, nên để sống, không dám lăn tăn quá đến những ngày buồn. Thế nhưng, ngày 14-10-2008 là một ngày không thể nào quên. Buổi sáng, trong mục điểm báo, VTV1 đọc bài báo đăng trên QĐND về một sự thật không thể nào tin nổi:
 
Hàng tỷ đồng tiền Nhà nước trợ cấp xã hội cho người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, tàn tật… ở huyện Mù Căng Chải (MCC) (Yên Bái) dẫu không có cánh, vẫn bay… thẳng vào túi các quan chức(!). Lý do nghe qua cũng “giản dị” lắm. Đồng bào ở MCC phần lớn là các dân tộc ít người đâu biết có chính sách để hỏi, đâu biết chữ để mà kiện và làm sao biết có tiền để mà nhận? Khi được truy vì sao chuyện trầm trọng thế mà tỉnh không giải quyết, xử lý, khởi tố; câu trả lời làm cho ngay sự “giản dị” nhất trên đời cũng phải sững sờ: Nếu dò đến gốc, tìm đến ngọn thì huyện MCC không còn cán bộ để làm việc vì hầu như cán bộ có chức quyền nào cũng dính ít nhiều(?!).

Chuyện chỉ nghe trong mấy phút mà đau suốt cả một ngày trời. Tôi lên lớp mà không biết mình đang nói gì, trưa ăn cơm chẳng biết mình đang ăn gì, nói chuyện với bạn bè mà ba tiếng Mù - Căng - Chải cứ thậm thỗn trong tai. Tôi không thể hiểu nổi tại sao trong xã hội lại có những quan chức vô lương, nhẫn tâm và tham lam mù quáng đến nhường ấy.

Ai chẳng có lòng tham nhưng tri túc, thường túc, hữu túc - biết đủ cho là đủ vậy (Khổng Tử) là điều mà ai đã một lần đọc sách cũng phải biết đôi chút gọi là. Làm sao có thể ăn chặn cả tiền của trẻ câm điếc, mù lòa; của những người già trên 80 tuổi không nơi nương tựa? Sự đánh mất niềm tin còn đáng sợ hơn cả nỗi đau. Dường như tôi đã mất cả cái điểm dừng cuối cùng để bấu víu và chịu đựng. Tôi biết, MCC là vùng cao còn rất khó khăn. 10 giờ sáng sương mù chưa tan, 3 giờ chiều mặt trời đã lặn. Đất đai cằn cỗi. Nhà rách, áo rách đi đâu cũng gặp”. Tôi chỉ còn biết thở dài.

MCC đã làm tôi khó ngủ hay tại đêm trước áp thấp trời oi? 22 giờ 30 tôi bật tivi một cách ngẫu nhiên. Lại trúng VTV1. Trên màn hình là chương trình “Người xây tổ ấm”. Phóng sự về quán cơm chay miễn phí của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (LVC) ở TP Hồ Chí Minh. Cha mẹ chết sớm vì máy bay rơi trúng nhà, mấy anh em phải tha phương cầu thực. Thế rồi, LVC đã trưởng thành từ cái chân quét dọn cho một gánh hát cải lương để trở thành một nghệ sĩ, một đạo diễn lớn. 4 năm cuối đời, anh cùng bạn bè mở quán cơm chay miễn phí cho người nghèo vào tất cả các buổi trưa.

Tiền không có nhiều, nhà không, quán cũng không. Vậy mà LVC vẫn quyết tâm thuê mặt bằng, tự tay mình lựa chọn và “đào tạo” những người có tâm, chịu khó, trở thành đầu bếp giỏi để phục vụ tận tình tất cả những người nghèo đến quán ăn cơm trưa. Những người đến với quán cơm Vợ thằng Đậu của LVC gồm đủ các thành phần như bán vé số, lượm ve chai, người tàn tật, người già bị con cái bỏ rơi…

Quán cơm chay miễn phí đã trở thành chỗ dựa của trái tim, nơi để sẻ chia các mảnh đời, chốn để góp nhặt sự đồng cảm và còn là một mảnh suối nguồn để nuôi dưỡng cái lòng nhân vất vả của cõi người. Một suất cơm có 3-4 món, ngoài ra còn có một quả chuối để tráng miệng, mỗi ngày dọn từ 100-200 suất. Đó là công sức, tình cảm của LVC cùng bạn bè và rất nhiều nhà hảo tâm đóng góp. Khó có thể hình dung giữa TP Hồ Chí Minh chen chúc sự đắt đỏ và ngột ngạt nỗi kiếm sống lại tồn tại một quán cơm giàu nhân, đậm nghĩa đến như thế.

Không một người cơ nhỡ nào khi đến với Vợ thằng Đậu biết được rằng người chủ quán cơm đang phải vật lộn từng ngày từng giờ với căn bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Và, có lẽ phải đến tận hôm nay (qua truyền hình, cũng như tôi) họ mới biết, ước mong cuối cùng trước khi chết của LVC là quán cơm sẽ vẫn còn, ngay cả sau khi anh mất và rồi, đến một ngày “đẹp trời” nào đó, quán cơm chay miễn phí của anh bị ế(!); bởi không còn những người nghèo khổ nữa… Ước nguyện ấy sao hàng trăm cán bộ có chức quyền ở MCC không nghe?

LVC đã vĩnh viễn từ bỏ cõi đời này vào ngày 23-9-2008. Anh không biết chuyện MCC. Thật là may! Bởi chắc hẳn nó sẽ làm anh đau lắm và, vì đó là dạng chuyện mà, như người dân Nghệ Tĩnh quê tôi vẫn nói, ngay cả Bụt trên chùa cũng phải u ư.

Hai câu chuyện hoàn toàn trái ngược nhau trong một ngày. Quả là khó quên. Câu chuyện buổi sáng dường như đã dứt bỏ sợi dây tin cậy cuối cùng trong cái đầu mê tạp của tôi. Trái lại, câu chuyện lúc đêm đã về khuya lại cho tôi biết bao hy vọng để sống. Thì ra nhân ái, chính trực và đức nghĩa chẳng bao giờ lụi tàn cho dẫu E. Hemingway đã từng nói Let’s the day perish (Hãy để ngày ấy lụi tàn). Xin thắp một nén hương để cúi lạy, tạ ơn vong linh nghệ sĩ LVC. Anh – và những người như anh, đã cho tôi niềm tin rằng, Ngày Mai trời sẽ sáng…

TÔ VĨNH HÀ
                                                                            

;
.
.
.
.
.