.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo số liệu điều tra mới công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hiện có khoảng 20% số doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, ngoài ra có đến 60% thành viên của Hiệp hội đang phải đương đầu với những khó khăn gay gắt về nguồn vốn.
 
Nguồn thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, đến nay có khoảng 164 ngàn doanh nghiệp đang có quan hệ với ngân hàng, chiếm trên 50% tổng số DNVVN cả nước, với tổng nguồn vốn kinh doanh là 483 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất: 45,3%.

Do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, môi trường kinh doanh phần lớn bị đảo lộn, đặc biệt là tình trạng tăng giá vật tư, nguyên liệu, nhân công... cộng với tình trạng khan hiếm vốn tín dụng, lãi suất cho vay cao đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tình thế sống dở chết dở. Riêng tại địa bàn Đà Nẵng, với trên 10 ngàn DNVVN hoạt động trên mọi lĩnh vực, thực sự là xương sống kinh tế của thành phố, nơi tạo thu nhập và công ăn việc làm cho phần lớn lực lượng lao động xã hội. Mặc dù chưa có một con số thống kê cụ thể nhưng chắc chắn khó tránh khỏi cảnh ngộ chung đã đề cập ở trên.

Về mặt chủ trương chính sách, Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, trong đó chính sách từng bước nới lỏng tiền tệ có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Theo Chỉ thị 05/2008-CT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành gần đây, đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng tín dụng đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, các nhu cầu vốn sản xuất có hiệu quả...
 
Trước yêu cầu bức bách của nền kinh tế, và để tăng hiệu quả kinh doanh, một loạt các ngân hàng đang tiến hành hạ lãi suất cho vay, bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư cho các DNVVN, đi đầu là các ngân hàng quốc doanh, như BIDV công bố dành riêng nguồn vốn 33 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2008-2010 để hỗ trợ chương trình tái cấu trúc nợ doanh nghiệp, Agribank cũng quyết định giảm mạnh lãi suất cho vay đối với hai đối tượng là hộ sản xuất và DNVVN để phát triển sản xuất kinh doanh, Vietinbank thông báo từ 13-10 bắt đầu hạ lãi suất cho vay xuống 18,2% dành cho tất cả đối tượng khách hàng...
 
Có thể nói, làn sóng giảm lãi suất đã và đang lan tỏa đến hầu hết các tổ chức tín dụng, là tác nhân vĩ mô chủ yếu giúp kích thích sự tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài bị đóng băng, điều này không những có lợi cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, mà còn vì lợi ích thiết thực, lâu dài của chính hệ thống ngân hàng.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để tiến trình hỗ trợ DNVVN không dừng lại ở những lời tuyên bố hoặc hành động có tính chất đơn phương, mà cần sự nhận thức chung và có hệ thống đồng bộ các biện pháp cụ thể nhanh chóng đi vào cuộc sống. Về phía các ngành chức năng thành phố, cần khẩn trương điều tra nắm chắc thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, có định hướng rõ ràng trong việc phân bổ các nguồn lực một cách kịp thời, hiệu quả.
 
Tranh thủ và tận dụng tối đa các nguồn tài trợ từ nước ngoài, từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, kể cả nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội... để hợp nhất thành một chương trình hỗ trợ phát triển chung. Những công cụ quan trọng khác để tăng cường thêm tiềm lực vốn và tài chính cho doanh nghiệp cũng cần được phát huy như Quỹ bảo lãnh vay vốn cho DNVVN, chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, hoàn thuế, hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Ngân hàng Phát triển. Về phía DNVVN, bên cạnh việc chủ động tiếp cận các kênh hỗ trợ từ nhiều phía, thì việc phát huy nội lực, khả năng thích nghi và bắt nhịp đúng đắn chủ trương chính sách là yếu tố mang tính quyết định.
 
Việc xoay trở trong thời buổi lạm phát cao cần được xem như là phép thử tốt để các doanh nghiệp tự khẳng định mình thông qua tư duy đột phá, vượt khó, phát huy tinh thần sáng tạo và năng lực tồn tại phát triển. Trong họa có phúc, trên tinh thần thực tế và lạc quan, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng, hy vọng các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ hội, vượt qua thử thách để bước ra biển lớn hội nhập cùng thiên hạ.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.