.

Khơi thông dòng vốn tín dụng

Tháng 3-2008, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng trưởng tín dụng tối đa không quá 30% so với năm 2007. Lúc văn bản mới ra đời, khá nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với Chính phủ vì tăng trưởng như vậy là quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Thế nhưng, qua thực tiễn 10 tháng đầu năm 2008, thực hiện các biện pháp quyết liệt chống lạm phát, tăng trưởng tín dụng cả nước chỉ mới đạt khoảng 20% so với năm 2007. Tại Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2008, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng trên dưới 10%. Đầu năm 2008, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Đà Nẵng đạt 27.660 tỷ đồng thì đến cuối tháng 9-2008, chỉ là 29.909 tỷ, tăng chừng 2.300 tỷ. Một mức tăng trưởng quá nhỏ so với quy mô gần 50 chi nhánh NHTM và hàng trăm điểm giao dịch của ngân hàng!

Thế nhưng, theo báo cáo gần đây nhất của các NHTM trên địa bàn, nguồn vốn của ngân hàng đã được cải thiện đáng kể; nhiều Hội sở giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Chi nhánh nhưng dường như khách hàng vẫn tỏ ra thờ ơ với vốn tín dụng ngân hàng.

Lý do được đưa ra và nói đến nhiều nhất là lãi suất vẫn còn cao trong khi giá cả hàng hóa trên thị trường có dấu hiệu giảm mạnh. Điển hình như giá thép xây dựng hiện nay chỉ còn bằng 50% so với giá một vài tháng trước đây. Không chỉ thép, nhiều mặt hàng khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Doanh nghiệp ngại vay vốn vì khi vay vừa chịu lãi suất cao, vừa có thể bị lỗ do giá cả hàng hóa xuống quá nhanh. Tình hình diễn biến của thị trường thời gian qua có thể thấy rằng những biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã tỏ ra có hiệu quả cao, cải thiện được tình hình lạm phát.

Tuy nhiên, có thể thấy dấu hiệu của tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm. Doanh nghiệp không vay vốn thì sản xuất không phát triển, đời sống người lao động khó khăn. Một nguyên nhân nữa là hiện nay kinh tế toàn cầu đang có biểu hiện suy thoái, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá là một nền kinh tế mở, thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh trong nhiều năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế. Và đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho doanh nghiệp chưa vội cần đến vốn vay ngân hàng.

Thực tế thời gian từ đầu tháng 10 đến nay, cũng có nhiều trường hợp xin vay vốn ngân hàng nhưng bị từ chối với lý do người vay tiền không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ nhằm cơ cấu lại các khoản nợ tại các ngân hàng khác đã đến hạn hoặc quá hạn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khơi thông dòng vốn từ ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thật sự của doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình?

Thứ nhất, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu giảm mức dự trữ bắt buộc theo một tỷ lệ nhất định nào đó hoặc tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 10%/năm hiện nay lên 15%/năm chẳng hạn để các ngân hàng thương mại có thể giảm phần nào lãi suất đối với khách hàng vay.

Thứ hai, về phía các ngân hàng thương mại, cần tiếp tục xem xét, cân đối các loại chi phí đầu vào ở mức hợp lý nhất để ấn định một lãi suất đầu ra vừa phải giúp khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng vốn tín dụng. Ngoài ra, khi các ngân hàng thương mại tuyên bố trên báo chí về những ưu đãi đối với khách hàng thì phải hiện thực điều đó trong thực tế. Không thể nói một đàng, làm một nẻo, gây mất lòng tin nơi khách hàng.

MINH HUY

;
.
.
.
.
.