Báo Đà Nẵng số ra ngày 19-9-2008 đăng bài “Báo động đỏ đạo đức học đường” như một hồi chuông gióng lên ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhà trường-gia đình-xã hội về tình trạng sa sút đạo đức học sinh diễn ra ngày càng nhiều trên phạm vi cả nước và trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Những vụ việc đau lòng như học sinh đâm chém bạn học, thầy, cô giáo... xảy ra ngày càng nhiều tại các trường học và có dấu hiệu tiếp tục gia tăng. Gần đây nhất, ngày 15-9-2008, hai học sinh lớp 10 Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã dùng dao chém tới tấp 6 học sinh lớp 11 (cùng trường). Hậu quả, trong 6 học sinh bị chém có 4 học sinh bị trọng thương, phải nhập viện. Lý do của vụ ẩu đả chỉ vì những học sinh này mâu thuẫn nhau trong khi “chat” trên mạng Internet.
Trước đó, ngày 5-4, học sinh Nguyễn Hoàng Khánh, lớp 12A4 Trường THPT Hà Huy Tập (Nghệ An) cùng 3 thanh niên khác chặn đường chém thầy giáo Nguyễn Phi Hải, giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) bị rách phổi, lìa chân, gãy xương bánh chè. Ngày 31-3, thầy Bùi Văn Ham, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp (Tiền Giang) đang ngồi uống nước ở gần trường thì bị 2 học sinh cũ của mình cầm 2 vỏ chai nước ngọt xấn tới vừa đánh vừa hỏi: “Thầy còn nhớ em không? Lúc em còn đi học, thầy đã gây khó khăn cho em”.
Qua những vụ việc điển hình vừa nêu cho thấy sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận học sinh đã đến hồi báo động đỏ. Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm giáo dục về đạo đức của nhà trường và gia đình đối với học sinh. Ở nhà trường, những môn học về tự nhiên, xã hội chiếm phần nhiều thời lượng, chương trình so với những môn học về đạo đức, nên việc giáo dục đạo đức của học sinh chưa đúng mức.
Còn với gia đình, đa số phụ huynh đều có tư tưởng khoán trắng con em mình cho nhà trường. Mà nhà trường thì chỉ tập trung truyền đạt lý thuyết những môn học trong chương trình cho các em là chủ yếu. Vì vậy, việc hình thành nhân cách, lối sống, đạo đức của học sinh dường như bị thả lỏng, thiếu sự quan tâm sâu sát, kịp thời của người lớn. Hay nói cách khác, giống như một cây non trong thời kỳ phát triển nhưng thiếu sự uốn nắn kịp thời, thường xuyên của những người chăm trồng.
Trong báo cáo tổng kết năm học 2007-2008 của ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng vừa qua, điều làm cho nhiều người quan tâm là con số học sinh có hạnh kiểm trung bình và yếu không phải là ít. Trong số 58.384 học sinh THCS, có 3.410 hạnh kiểm trung bình và 291 hạnh kiểm yếu. 33.577 học sinh THPT, có 2.637 hạnh kiểm trung bình và 365 hạnh kiểm yếu. Các lỗi học sinh mắc phải như đánh nhau, bỏ học, vô lễ với thầy, cô giáo... xảy ra khá nhiều.
Cũng cần lưu ý, ở lứa tuổi này, môi trường sinh sống, học tập của học sinh gần như được hoàn toàn “miễn dịch”, là cơ hội tốt để các em hoàn thiện nhân cách, có lối sống, đạo đức tốt so với những môi trường sống trong xã hội sau này. Song, kết quả thống kê về hạnh kiểm của học sinh như trên đáng để chúng ta suy ngẫm! Hay một biểu hiện khác cho thấy việc giáo dục đạo đức đối với học sinh còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ngay từ đầu năm học 2008-2009, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố có văn bản quy định học sinh đi học bằng xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng hiện nay nhiều em đến trường bằng các loại phương tiện này vẫn không chấp hành đội mũ bảo hiểm. Lý do các em đưa ra là: Chẳng có ai kiểm tra, xử phạt nên không thực hiện. Ở đây, một phần do sự thiếu quan tâm của nhà trường và ý thức chấp hành của học sinh còn hạn chế. Nhà trường phải là nhân tố quyết định trong sự nghiệp “trồng người”, chứ không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Xem ra, việc giáo dục đạo đức đối với học sinh trước hết phải từ những việc nhỏ nhặt nhất, để hành vi, lối sống các em phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Có khởi đầu tốt đẹp từ những điều nhỏ nhặt nhất ngay từ hôm nay, các em mới tránh được những vấp váp, lỗi lầm đáng tiếc về sau.
HÒA KHÁNH
.
.
Lại bàn về đạo đức học sinh
Thứ Ba, 07/10/2008, 08:02 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.