.

Lãi suất đang giảm dần?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa công bố hai quyết định quan trọng: Một là, giữ nguyên lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam 14%/năm. Hai là, nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 5%/năm, đồng thời cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phát hành ngày 17-3-2008 để cầm cố vay vốn, chiết khấu hoặc tham gia thị trường mở.

Đây là những quyết sách quan trọng, bắt nguồn từ những chuyển biến đáng khích lệ về điều kiện kinh tế vĩ mô trong thời gian gần đây, nhất là khi chỉ số lạm phát đang hạ nhiệt, mở đường cho hệ thống ngân hàng tiến hành cơ cấu lại nguồn lực vốn liếng và lãi suất, hướng đến mục tiêu giảm dần lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ tiếp tục có những phản ứng khá tích cực. Một loạt ngân hàng thương mại đang xem xét hạ lãi suất huy động vốn, mặt bằng lãi suất huy động bình quân từ 17 - 18%/năm hiện giảm xuống còn 16,5 - 17,5%/năm. Riêng lãi suất cho vay có tỷ lệ giảm nhanh hơn, nhất là ở các ngân hàng quốc doanh, với mức giảm thấp nhất hiện nay đang dừng ở 17,5%/năm do BIDV công bố và được cho là sẽ áp dụng đối với những khách hàng lớn, truyền thống, có uy tín cao.

Trong thực tế, trước đó nhiều ngân hàng đã rất năng động trong việc áp dụng các kỹ thuật nhằm hỗ trợ lãi suất thấp cho khách hàng, như nghiệp vụ tài trợ xuất khẩu gắn với “Cho vay VNĐ với lãi suất USD”, ưu đãi vốn và lãi suất các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, thủy hải sản...

Cũng cần nói thêm rằng, do ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát nên tiến trình giảm lãi suất không thể diễn ra một cách nhanh chóng theo mong muốn chủ quan. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện hành so với tỷ lệ lạm phát kỳ vọng vẫn ở trạng thái “âm” (25%/17,5 % ), trong khi đó nguồn cung tín dụng nhìn tổng thể chưa thể đánh giá là dư thừa, các ngân hàng thực sự chưa đủ lực cũng như chưa đủ mạnh dạn để mở rộng tín dụng để đáp ứng những bức xúc về vốn của doanh nghiệp. Giảm lãi suất mặc dù là giải pháp quan trọng và cấp bách, tuy nhiên việc duy trì được nguồn cung ứng tín dụng liên tục và bền vững mới thực sự có ý nghĩa lớn hơn.

Bên cạnh đó, cơn địa chấn đổ vỡ hàng loạt của hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ trong những ngày gần đây, dù muốn hay không, cũng tạo ra những áp lực tâm lý thận trọng, chờ đợi, đòi hỏi phải cân nhắc những động thái phức tạp tiếp theo vẫn còn đang ở phía trước...

Nhận định về xu thế giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, có thể dự đoán ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất đồng thời được xem là tối ưu, diễn ra trong điều kiện kiềm chế lạm phát tốt, chỉ số giá cả năm duy trì ở mức 25%, đặc biệt không có đột biến mạnh về giá của một số hàng hóa nhạy cảm như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm, ngoại tệ mạnh thì khả năng hạ lãi suất cho vay là khá cao, có thể ở mức bình quân 17% - 18%/năm.

Kịch bản thứ hai tập trung vào khả năng xử lý không tốt biến động của giá cả thường xảy ra trong quý 4 hằng năm nhân dịp lễ, Tết, với tình huống này sẽ khó có khả năng giảm thêm lãi suất cho vay, tuy nhiên kịch bản này ít xảy ra vì mãi lực năm nay có phần suy giảm nhiều so với những năm trước đây.

Kịch bản thứ ba hoàn toàn ngược lại với hai kịch bản trên, nghĩa là quyền chủ động không còn thuộc ở ta mà phụ thuộc phần lớn vào những nhân tố từ bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ - tài chính có tầm ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay thì có lẽ, mọi sự dự liệu ngay từ bây giờ để đối phó với những tình huống xấu xảy ra là điều nhất thiết phải tính đến, không những trước mắt mà cả về lâu dài, bởi vì hậu quả của khủng hoảng dường như chỉ mới bắt đầu.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.