.

“Lấy chồng kiều” - những trở lực về văn hóa

Hiện tượng “lấy vợ kiều”, nhất là “lấy chồng kiều” - tức đám cưới mà cô dâu hoặc chú rể không phải người Việt - đang có chiều hướng ngày càng gia tăng; tất nhiên cũng có thể thấy hiện tượng này vẫn chưa được coi là bình thường trong xã hội Việt Nam, bởi “sốc văn hóa” (được hiểu là dị ứng do chưa thích nghi với một nền văn hóa lạ) là trở ngại lớn nhất cho cả hai bên.

Thực ra trong lịch sử người Việt cũng không hiếm những quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài - mà được nhắc tới nhiều là cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với vua Chăm-pa Chế Mân. Thời Hội An còn là trung tâm mậu dịch quốc tế của Đàng Trong, nơi phố cổ sầm uất mà êm đềm này cũng từng diễn ra rất nhiều quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phổ biến là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật Bản. Khi chính quyền Nhật Bản thực hiện chính sách tỏa quốc (sakoku), thuyền buôn Nhật Bản không còn được phép ra nước ngoài như trước, hầu hết thương gia Nhật Bản lấy vợ Việt Nam đều buộc phải trở lại cố hương, và hầu hết là rời quê vợ mà không có vợ đi cùng. Các cô gái Hội An chấp nhận lấy chồng Nhật Bản ngay trên quê hương mình, nhưng các cô không thể cùng chồng sang sống bên Nhật vì sợ “sốc văn hóa”, vì chưa dám chấp nhận đối mặt thích nghi với văn hóa Nhật.

Nhìn lại đôi chút về quá khứ xa xưa để giúp chúng ta có thêm được bài học kinh nghiệm là nên tiếp cận vấn đề quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ góc nhìn văn hóa, từ đó thấy rõ các trở lực văn hóa để tìm cách giải quyết. Một quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài muốn trở thành bình thường trước hết phải xuất phát từ lòng khoan dung về văn hóa - được hiểu là biết chấp nhận một nền

văn hóa khác với mình - không chỉ của hai bên đương sự mà còn của cả hai cộng đồng dân tộc. Nhiều cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài bền vững không chỉ bởi hai bên đương sự có được một tình yêu chân thành sâu đậm mà còn do có được lòng khoan dung về văn hóa như vừa phân tích. Cho nên muốn bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì điều đầu tiên là phải giúp cho các cô dâu Việt và cả các chú rể ngoại quốc vừa thấm nhuần bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có hiểu biết đúng mức về bản sắc văn hóa dân tộc của người bạn đời, thấy được những chỗ tương đồng và dị biệt giữa hai nền văn hóa để trên cơ sở lòng khoan dung về văn hóa mà tìm cách thích nghi.

Rào cản về ngôn ngữ có thể dẫn tới “sốc văn hóa” nhưng có không ít trường hợp không có rào cản về ngôn ngữ mà vẫn gặp trở lực văn hóa, thậm chí chỉ cần khác nhau về thói quen ẩm thực… Ngay cả những chú rể người Việt định cư lâu năm ở nước ngoài vốn đã thấm đẫm nền văn hóa bản địa thì cũng khó tránh khỏi “sốc văn hóa ngược” khi về nước lấy vợ, và nếu thiếu lòng khoan dung về văn hóa, chính họ càng khó thích nghi hơn các chàng rể ngoại quốc.

Tiếp cận vấn đề quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ góc nhìn văn hóa còn để thấy rằng khó có thể chấp nhận những động thái phi văn hóa qua nhiều vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp từng xúc phạm không chỉ là nhân phẩm của các cô gái trong cuộc mà còn là thanh danh của nữ giới và quốc thể của nước nhà. Từ góc nhìn văn hóa mới thấy hết mức độ sỉ nhục và cay đắng do những động thái phi văn hóa ấy gây ra cho người Việt vốn tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, đồng thời mới thấy hết tính cấp thiết của việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước cũng như khả năng tư vấn và hỗ trợ kết hôn đối với các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ Việt Nam. Từ góc nhìn văn hóa mới thấm thía rằng đúng là có những nguyên nhân kinh tế (chẳng hạn mong muốn thậm chí khao khát được đổi đời) dẫn đến nhiều người trong cuộc phải buộc lòng chấp nhận những động thái phi văn hóa nói trên, nhưng chủ yếu vẫn bắt nguồn từ những nguyên nhân văn hóa.
 
Điều này giải thích vì sao phần lớn bi kịch hiện nay trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài lại thường tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt sông rạch. Cho nên suy đến cùng, những nỗ lực tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước cũng như khả năng tư vấn và hỗ trợ kết hôn đối với các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, còn phần gốc là phải làm sao nâng cao được mức sống và chất lượng sống của mọi người dân, trong đó văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần, thực sự trở thành một năng lực nội sinh của xã hội Việt Nam chúng ta.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.