Sự kiện Trường Cao đẳng nghề Việt - Mỹ (VATC) nửa đường đứt gánh: Cả Ban lãnh đạo đồng loạt xin nghỉ việc, số phận của sinh viên bỗng chốc phập phù như trứng treo đầu đẳng, được công ty quản lý quỹ Blackhorse (Singapore) mua lại là một trong những dẫn chứng nhãn tiền buộc ngành giáo dục nước ta phải kịp thời rút ra những bài học có từ... nước mắt và sự âu lo!
Trước hết, phải nhìn để thấy rõ rằng giáo dục là một ngành kinh doanh đặc biệt (nếu như động cơ mở trường chỉ để kiếm tiền). Nó không thể bị coi là con gà đẻ trứng vàng cho những nhà đầu tư chụp giựt lợi nhuận như không ít trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) hiện nay đang nghĩ và làm. Chẳng hạn, Trường ĐH Phú Xuân chỉ có 3 TS nhưng mở đến 12 ngành đào tạo là điều khó hiểu khi mà cơ quan chủ quản luôn yêu cầu phải có bằng cấp, chuẩn này, tiêu chí nọ.
Thông số đó chỉ ra rằng mọi lời cam đoan về chất lượng, “đổi mới” của Bộ GD-ĐT chỉ mang tính hình thức mà thôi. Mặt khác, không giống với mì ăn liền hay bột ngọt, sản phẩm không tốt của giáo dục ảnh hưởng đến đất nước một cách lâu dài; thậm chí là làm xuống cấp hay gây nguy hại cho cả một xã hội, cả một nền văn hóa. Yêu cầu tiếp theo phải là, chủ đầu tư cho một cơ sở giáo dục phải có kinh nghiệm và tâm huyết đối với việc trồng người.
Những nhà kinh doanh tay mơ về giáo dục làm sao có thể nhận thức đủ và đúng về những yêu cầu của giáo dục đặt ra? Giả sử bỏ tiền ra kinh doanh, thấy không có lãi thì bán, sang nhượng; số phận của hàng trăm con người sẽ giải quyết ra sao? Đó là chưa nói chuyện treo đầu dê để bán thịt… khác như cách thi cao học ở Trường CĐ Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, dạy chui 8 năm trời ở một Trường CĐ nghề… mà Bộ GD-ĐT không biết. Chắc chắn rằng “kinh doanh giáo dục” là nghề sinh lãi lớn nhất hiện nay. Xin đưa ra một dẫn chứng nhỏ:
Tổng thu học phí của một lớp 60 SV, mỗi SV 1,6 triệu đồng (lấy mức thấp nhất, ngành XHNV) một học kỳ là 96 triệu đồng (mức trung bình) nhưng tổng số tiền để trả cho giáo viên dạy 15 tuần Í 4 tiết Í 6 ngày Í 45.000 đồng (cũng là số lượng trung bình), mới chỉ là 16.200.000 đồng (!) Dù có dốt toán đến mấy cũng biết ngay được rằng sau khi trừ chi phí phục vụ, hao mòn cơ sở vật chất, số tiền lãi là lớn đến mức nào! Đó là chưa nói lớp đông 70 - 80 học sinh, học phí có nơi 2 - 2,5 triệu mỗi học kỳ. Tính ở mức thấp nhất, lãi ròng từ một lớp học không dưới 50 triệu đồng!
Sinh lãi cao, hao phí thấp, vốn bỏ ra không nhiều lắm, “căn bệnh” nhà nhà đua nhau vào đại học bảo đảm không ế ẩm bao giờ là những nguyên nhân đưa đến kết quả hiển nhiên: Ai cũng muốn đầu tư vào giáo dục. Đến đây, bộc lộ một sai sót của cơ quan chủ quản - tức Bộ GD-ĐT với câu hỏi rằng Blackhorse chưa bao giờ đầu tư vào giáo dục, liệu có đủ điều kiện và tư cách chuyên môn không? Trong các hợp đồng đã ký kết, không hề có điều khoản nào bảo đảm quyền lợi cho sinh viên liệu có thỏa đáng không? Việc công khai các tiêu chí đào tạo theo chuẩn mới của bộ chủ quản đã đáp ứng đầy đủ hay chưa?...
Giáo dục đòi hỏi sự cẩn trọng. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Trường học không thể là một dạng biến hóa của chợ trời. Đã có rất nhiều bài học đau xót từ cái gọi là giáo dục ăn theo, chụp giựt. Những gì đã và đang xảy ra ở VATC đang là một nhắc nhở nghiêm khắc.
KHÁNH CHI
.
.
Ngẫm từ VATC
Thứ Tư, 22/10/2008, 07:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.