.

Ngọn gió mới từ Quốc hội

Những thay đổi mới mẻ từ kỳ họp Quốc hội (QH) lần này giống như một luồng gió mới đang tiếp thêm nhiều nội lực cho sự phát triển của đất nước: Thời gian họp rút ngắn gần một nửa (tiết kiệm hàng tỷ đồng, tiết kiệm thời gian để các đại biểu không chuyên trách chăm lo đến người dân nhiều hơn), các buổi đối chất sẽ được tổ chức gần như là “trực tuyến” chứ không dùng báo cáo dài dòng như trước…

Trong mấy ngày qua, người dân cả nước đã được chứng kiến (qua truyền hình) hoặc biết sự thực qua báo chí về sự thẳng thắn trong tranh luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất nhiều vụ án tham nhũng đã “từ khủng long biến thành thạch sùng” nên đã “làm cho người dân hụt hẫng” (TT, 25-10).

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng đã nghiêm túc ghi nhận rằng việc xử án sai, quá nhiều án tù treo là “chưa khắc phục được bao nhiêu” (PL TP HCM, 25-10). Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã cho dư luận biết tội phạm vị thành niên chiếm đến 9,48% (TP, 25-10) là một vấn nạn trầm trọng, đòi hỏi phải báo động đỏ toàn diện và triệt để. Chỉ có 10% tội phạm giết người là lưu manh chuyên nghiệp (TT, 25-10), còn lại 90% là do các nguyên nhân xã hội đẩy con người đến chỗ phạm tội…

Đồng thuận với sự đổi thay về cách thức là những nội dung cũng gần như là hoàn toàn mới trong việc QH thảo luận và sẽ quyết định thông qua những Dự luật mới, trong đó Luật Cán bộ, công chức (CBCC) có một vị trí đặc biệt. Về nguyên tắc, “con tàu” kinh tế, xã hội Việt Nam có vận hành suôn sẻ hay không là tùy thuộc vào đội ngũ “thủy thủ đoàn” CBCC, trong đó chỉ riêng cấp phường, xã là 192.438 CBCC.Phường, xã đang làm việc với mức đãi ngộ thấp, công việc nhiều, khả năng thăng tiến ít sáng sủa, loại hình công việc phức tạp và nhất là, đa số người dân chưa hiểu, chưa thông cảm với tất cả những khó khăn đó.

Một thực tế nữa cần nêu ra là trong thời gian qua đã có không ít CBCC xin thôi việc. Họ đành phải “bỏ Nhà nước” mà ra đi bởi không chịu nổi các áp lực vừa thường trực, vừa nặng nề. Về phía người dân thì liên tục kêu ca về tình trạng công chức “ba không” (không giải thích, không cười, nói với dân không có chủ ngữ). Giải pháp ở đâu?

Trước hết là Dự luật CBCC phải phân định quyền và trách nhiệm rõ ràng. Một khi chức vụ chủ tịch xã, phường được dân bầu trực tiếp thì phải tăng thêm quyền hạn cho chủ tịch. Đó gần như là một nguyên tắc đương nhiên. Tại sao bầu và bị bãi nhiệm trực tiếp mà lại không cho công chức quyền lựa chọn cán bộ dưới quyền? Nếu không thế, cấp dưới làm sai, cấp trên chịu sẽ là thậm vô lý.

Thứ hai, điều khoản ưu đãi về nhà cửa cho CBCC vừa bất cập với Hiến pháp (Quyền có nhà ở) lại vừa dễ gây ra sự lạm dụng, đặc quyền, đặc lợi, đồng thời dễ làm cho người dân hiểu sai. Tại sao không “quy ra thóc” tất cả mọi quyền lợi thông qua lương và phụ cấp? Mức lương như hiện nay chẳng ai muốn làm là đúng. Có một chuyện rất nhỏ mà vài trưởng thôn, chủ tịch phường đã kể và người viết bài này đã tìm hiểu trực tiếp với sự cảm nhận xót xa: Không muốn làm chỉ vì cưới xin hay ma chay, giỗ chạp, ai cũng mời trưởng thôn, đến thì phải có phong bì, quà cáp cho chủ nhà. Mỗi tháng mươi lần như thế, tiền lương và phụ cấp bằng không.

Thứ ba, bộ máy cấp phường xã hiện nay là quá cồng kềnh. Phải tinh giản các thủ tục mới tinh giản được biên chế, mới tăng được lương cho những CBCC làm thật, có lợi thật. Đôi khi, phải hiểu nền kinh tế thị trường, tốc độ của xã hội hiện đại, giống như “chiến tranh”. Đã là thế thì cơ chế phiền hà chỉ càng làm cho chuyến xe đi đến tương lai luôn căng thẳng vì thường xuyên phải đi vòng, đi chậm qua những con đường gồ ghề - tốn xăng, ì ạch.

Thứ tư, việc phân biệt cán bộ xã và huyện chỉ tạo nên sự lo lắng và nản chí. Không có loại công chức phải trải qua hai lần tuyển dụng. Tại sao từ xã lên huyện lại có thêm tiêu chuẩn mới? Làm như thế có khác gì đặt ra quy chế cho “công chức hạng hai”? Công bằng trong luật pháp phải bao gồm cả công bằng trong khả năng cạnh tranh của cấp xã đối với cấp huyện.

Bất cứ một Nhà nước nào cũng tồn tại bởi ba nguyên tắc tổ chức chính quyền: Cơ quan lập pháp phải thận trọng, khôn ngoan; cơ quan tư pháp phải dung hòa và minh bạch; cơ quan hành pháp phải mạnh mẽ và nhanh nhạy. Dự luật CBCC nếu được xem xét theo tinh thần toàn diện và thực tế thì nhất định bộ máy phường, xã sẽ vận hành với tốc độ đúng như nó phải có và hiệu quả đúng như sự kỳ vọng của người dân.

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.