Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một loạt các quyết định quan trọng về điều hành lãi suất. Theo đó, kể từ ngày 20-10-2008 lãi suất cơ bản đồng VN giảm còn 13%/năm, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng từ 5% lên 10%/năm, đồng thời cho phép thanh toán trước hạn theo yêu cầu 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN dưới hình thức bắt buộc phát hành từ ngày 17-3-2008.
Chính sách tiền tệ từ chỗ thắt chặt nhằm ưu tiên kiềm chế lạm phát, nay đang có dấu hiệu nới lỏng dần, thể hiện rõ tư duy điều hành nhất quán nhưng linh hoạt. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam cần có những động lực mới để tiếp sức và trụ vững nhằm vượt qua khó khăn. Dự báo về thị trường vốn và lãi suất trong thời gian đến, có thể nêu lên một số nhận định chính:
Lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục xu thế giảm nhanh hơn. Hiện nay, lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường được công bố bình quân vào khoảng 16 - 16,5%/năm, thấp hơn mức trần khoảng 3,5%/năm. Lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm xuống bình quân 14 - 16%/năm.
Trên thực tế, xu hướng giảm lãi suất đã diễn ra ở hầu hết các ngân hàng trước khi có quyết định giảm lãi suất cơ bản, qua đó cho thấy quy luật cạnh tranh đã bắt đầu quay trở lại và từng bước phát huy tác dụng, có tác động tự điều chỉnh sự ứng xử của ngân hàng trước quan hệ cung - cầu vốn hiện đang rất bức xúc, và nếu thoát ly quá xa quan hệ này thì ngân hàng cũng khó có thể tồn tại và phát triển. Nếu lạm phát tiếp tục dịu bớt, có thể dự báo một cách khả thi từ nay đến cuối năm lãi suất cho vay sẽ giảm xuống bình quân khoảng 15%/năm, đây cũng chính là mức mong đợi của hầu hết các doanh nghiệp vào lúc này.
Đi đôi với xu hướng giảm lãi suất là năng lực cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong thời gian đến chắc chắn sẽ được nới lỏng và tăng thêm, tuy nhiên mức độ khan hiếm nguồn vốn vẫn chưa thể chấm dứt bởi vì áp lực ảnh hưởng của lạm phát cao. Mặt khác, cũng cần phải tuân thủ chủ trương của NHNN về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm 2008 không vượt quá 30%.
Trong điều kiện như vậy đòi hỏi phải có chính sách phân bổ nguồn lực và sử dụng vốn thật sự có hiệu quả, có định hướng đúng đắn ngay từ đầu nhằm uốn nắn dòng chảy tín dụng đến những nơi thực sự cần thiết như các lĩnh vực trực tiếp sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết công ăn việc làm...
Cần kiên quyết hạn chế vốn chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như đầu tư tài chính, chứng khoán, đầu cơ bất động sản... Trách nhiệm khó khăn trong việc lèo lái nguồn vốn lúc này chủ yếu thuộc về hệ thống ngân hàng thương mại, vì vậy cần có thái độ khách quan, đánh giá đúng mức những khó khăn cũng như cơ hội, chủ động hợp tác, sát cánh cùng với doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Xu hướng vận động của thị trường vốn và lãi suất trong thời gian đến, nhất là dịp Tết Nguyên đán, còn phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường ngoại hối, đặc biệt là mối quan ngại về nguồn cung kiều hối sẽ không dồi dào như mọi năm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, với năng lực dự trữ ngoại hối hiện có, nếu tiếp tục thực hiện tốt chủ trương kiềm chế nhập siêu, ổn định và đa dạng hóa thêm thị trường mới về xuất khẩu nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ thị trường truyền thống Âu - Mỹ, thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động ổn định tỷ giá ngoại tệ một cách tích cực và linh hoạt.
THANH THỦY
.
.
Nới lỏng dần chính sách tiền tệ
Thứ Năm, 23/10/2008, 07:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.