Ngạn ngữ latin cổ có câu Noblesse oblige – hành xử của quan chức (quý tộc) phải theo đúng cương vị của mỗi người. Theo đó, dù là ăn mặc hay nói năng đều phải luôn cẩn trọng bởi không phải là mình mặc hay mình nói mà là mình đang thay mặt cho cả một chính quyền. Đó có lẽ là nguyên tắc tối thiểu mà đã là quan chức, ai cũng phải biết. Thế nhưng, thật đáng tiếc là thời gian qua có không ít “quan” nói năng bừa bãi, làm người dân bị sốc.
Xin dẫn ra một vài câu nói khó hiểu, khó nghe. Khi cái nạn melamine bùng phát, một vị lãnh đạo của cơ quan ATVSTP đoan quyết rằng không nhập sữa Trung Quốc. Đến khi sự việc vỡ lở, hàng trăm tấn sữa bột nhập vào có giấy phép do chính ông đó ký đàng hoàng thì ông trả lời là do… quên! Sông Thị Vải đen ngòm, ngầu bọt cả chục năm trời nhưng đến lúc vỡ lở chuyện Vedan thì lãnh đạo tỉnh Bình Dương trả lời thản nhiên là do Vedan làm tinh vi quá không phát hiện ra(?).
Cá chết, dân kêu sao ông không nghe, không thấy? Gần đây nhất có hai cách ăn nói động trời. Một là từ ông Phó TGĐ Tổng Công ty xăng dầu. Khi được hỏi vì sao giá dầu thế giới giảm gần một nửa mà ta chỉ giảm có 500 đồng một lít, vị này nói tỉnh queo: Để cho người dân đỡ bị sốc (PL TP. HCM, 9-10-2008). Có người dân nào thấy giá xăng dầu giảm mà lại sốc, kính thưa ông Phó tổng? Mới nhất là chuyện của ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP. Khi được hỏi về việc liệu quy định cho rằng những người có các chỉ số cân nặng dưới 40 kg, chiều cao 145 cm không được điều khiển xe máy và dưới 150 cm, 40 kg không được lái ô-tô hạng B1 có đúng không, ông Khẩn nói: “Như vậy là phù hợp…
Trong trường hợp như vậy (không đủ 40 kg và 145 hay 150 cm) nên chủ động có các chế độ ăn uống, tập luyện để cải thiện thể trạng” (TN, 15-10-2008). Có lẽ ông Khẩn là người bà con của Tôn Ngộ Không? Vì đã thấp, bé, nhẹ cân; suy dinh dưỡng, cơ địa không thể béo, không thể cao thì may ra chỉ đến khi xuống lỗ mới có thể tập tành, ăn uống mà tăng cân!
Tại sao có thể căn cứ vào một thống kê quan liêu nào đó về việc cải thiện giống nòi là lập tức phát ngôn liền theo kiểu ưng chi nói nấy? Hàng chục vạn người trưởng thành không đủ tiêu chuẩn về thể trạng, một phần ba trẻ em Việt Nam hiện nay đang bị suy dinh dưỡng là thực tế rành rành, tại sao người có chức quyền không biết? Trong những tiêu chí của người quân tử, Khổng Tử có dặn Quân tử nghĩ rồi mới nói còn tiểu nhân nói rồi mới nghĩ. Không hiểu ông Khẩn có biết không?
Phát ngôn đúng, đủ là nguyên tắc của những người được quyền cầm cân nẩy mực trong xã hội, bất kể chức vụ bé hay to. Mặt khác, đó là thước đo khá chính xác về trí tuệ, khả năng của người đó. Cách nói năng ề à, tìm không ra từ, vận chữ lung tung chứng tỏ người nói có trình độ kém, không xứng với cương vị được giao. Còn nói năng vô trách nhiệm theo cách “tiện thể”, khỏi cần nghĩ phản ánh sự thiếu vắng trầm trọng đạo đức quan chức hay nói một cách cụ thể là làm vẩn đục văn hóa ngôn từ.
Uốn lưỡi bảy lần mới nói hay biết cách để liệu cơm gắp mắm, là những phẩm chất không thể thiếu của quan chức đương nhiệm. Phải ngăn chặn những cách làm, cách nói thiếu cẩn trọng. Bởi tất cả những sai lầm và tai họa đều bắt đầu từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt. Ai dám bảo đảm rằng những quan chức ưng chi nói nấy không hành xử theo “nguyên tắc” thích chi làm nấy?
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định đồng ý chi hàng tỷ đồng để “chuộc” lại văn chỉ văn hóa Vĩnh Xương vừa bị thành phố Nha Trang đập đi để bán đấu giá gạch, ngói nhằm phục hồi lại đúng vị trí cũ và lập hồ sơ đề nghị công nhận Vĩnh Xương là di tích văn hóa (TT, 15-10-2008)(!?). Văn là cái tuyệt mỹ, cái để hướng tới, trăn trở nhưng nói rồi làm như thế, nghĩ mà đau, mà tủi.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Nói rồi mới nghĩ
Thứ Năm, 16/10/2008, 08:04 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.