.

Thâm canh trên cánh đồng khuyến học

Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, người được Bác Hồ ca ngợi là “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao” đã sáng lập và là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khi từ Côn Đảo trở về. Sau ngày toàn thắng, Quảng Nam-Đà Nẵng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Khuyến học (1991). Đây là sự tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học và học giỏi của vùng đất ngũ phụng tề phi, địa linh thần kiệt.

18 năm qua, Hội đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ trong và ngoài nước, giúp sức có hiệu quả cho hàng chục ngàn học sinh vượt khó học tốt với hàng chục ngàn học bổng. Hoạt động của Hội đã góp phần tích cực vào những thành tựu, phát triển sự nghiệp giáo dục của Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đà Nẵng đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở năm 2000 và đến nay đã có 48/56 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

Đứng ở góc độ khuyến học, chúng ta có thể yên tâm phần nào với mục tiêu nâng cao dân trí nhưng về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài thì còn rất nhiều việc phải làm. Phải chăng thời kỳ khuyến học theo lối quảng canh đã qua. Chúng ta không thể bằng lòng với số lượng lớn học bổng đã cấp mà số tiền của mỗi suất thật ít ỏi (có khi chỉ là 30.000 đồng/tháng) và Hội Khuyến học cũng như các tổ chức có cấp học bổng chỉ lo vận động được nguồn quỹ lớn, cấp được nhiều học bổng, không quan tâm đúng mức việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của học bổng, không có lưu trữ đầy đủ hồ sơ để biết với học bổng nhận được, sự học và cuộc sống của học sinh đó diễn tiến như thế nào.

Mới đây, một tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài có cấp học bổng ở Đà Nẵng những năm đầu thập kỷ 90 đã yêu cầu có những thông tin về số học sinh nhận học bổng của họ cách đây 15 năm. Chúng ta không có ai theo dõi, không có hồ sơ lưu trữ (đầy đủ). Cũng may, cuối cùng đã lần, tìm được hành trạng một số em và cũng mừng là nhiều em có cuộc sống khá tốt (tất nhiên không chỉ vì có học bổng).

Nên chăng đã đến lúc tập trung ưu tiên học bổng có thể là 500.000 đồng/tháng hoặc nhiều hơn, một số không lớn học sinh được nhận liên tục cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều quan trọng là xác định đúng đối tượng, đó là những học sinh chắc chắn nếu không có sự trợ giúp này thì việc học sẽ nửa đường đứt gánh, hay không thể học giỏi vì phải dành nhiều thời gian và tâm lực cho việc mưu sinh.
Đồng thời một điều quan trọng nữa là phải có sự theo dõi xem tác dụng thực sự của học bổng, cùng với học bổng, học sinh đó cần giúp đỡ động viên gì nữa để bảo đảm liên tục tiến tới trên con đường học vấn, lập nghiệp.

Sau khi các học sinh đó tốt nghiệp trung học phổ thông có thể giúp các em tiếp cận với các sự hỗ trợ khác để các em học cao đẳng, đại học, học nghề hay tìm việc làm. Chúng ta không nghĩ rằng tất cả những em được nhận học bổng của Hội Khuyến học đều thành tài, nhưng chắc rằng với sự theo dõi, chăm chút của các cấp Hội Khuyến học, nhất là ở cơ sở, chúng ta có thể phát hiện được nhiều tài năng và có sự giúp đỡ sát hợp để các em có tài năng đó đều có cơ hội thăng tiến.

Thành tích khuyến học những năm qua là rất lớn. Nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải chấn hưng nền giáo dục và nâng công tác khuyến học lên một tầm cao mới.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.