.

Thi ân bất niệm

Báo Tiền Phong, ngày 25-10-2008 kể lại một câu chuyện thật sự xúc động: Cụ bà Nguyễn Thị Em (41, Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) với người cháu ruột là Nguyễn Bích Liên - cả hai bà cháu đã cùng nhau nấu “một nồi cháo” suốt hai mươi năm qua...

Cụ Em trước năm 1975 là chủ rạp ciné Kim Châu (nay là rạp Lê Độ, đường Trần Phú), là chủ tiệm vàng có uy tín. Với quan niệm “ngày ngày làm việc thiện”, cụ Em không nề hà trước bất kỳ khó khăn, vất vả nào, miễn là đem được chút ít niềm vui cho mọi người. Nhờ cái tâm sáng, cái nhìn trong, cái nghĩ suy cẩn trọng trước những người nghèo, cụ Em được nhóm Khuyến thiện chùa Phổ Minh giao trách nhiệm chính trong mọi lần cứu trợ.

Không thể đếm hết dấu chân của cụ Em trên mọi ngả đường, từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên...; ở đâu có thiên tai dữ dằn, dịch bệnh ác độc là có nụ cười sẻ chia, ánh mắt chan chứa ân tình và thông hiểu của cụ. Cùng với cụ Em là rất nhiều cụ, bà khác như bà Kim Mãi, bà Bê, cụ Trần Thị Thừa (83 tuổi), cụ Dương Thị Đông (92 tuổi)... Họ là những con người bình dị như bao người đàn bà tuổi tác khác nhưng tự nguyện nhận lấy phần khó khăn, thiệt thòi nhất cho mình mà không hề phô trương, không hề kể lể bởi họ hiểu rõ lời dạy của người xưa Thi ân bất niệm. Đã làm ơn thì không được nhớ và đừng nghĩ đến chuyện kể công.

Một miếng khi đói là cả một câu chuyện dài về sự ấm lòng, chia sẻ. Nhưng “một” nồi cháo có thể thơm ngọt, đầm ấm tình người suốt 20 năm là cả một thiên sử thi thật đáng trân trọng của đức nhân bản phi thường. Đáng quý hơn nữa là nồi cháo ấy cứ sống, cứ tỏa hương ngào ngạt giữa những năm tháng xô bồ của bon chen ích kỷ lạnh lùng. Chợt nhớ đến câu thơ của Lý Thương Ẩn đời nhà Đường (618-907): Tương kiến thời nan, biệt diệc nan/ Đông phong vô lực bách hoa tàn/ Xuân tàm đáo tử ty phương tận/ lạp cự thành hôi lệ thủy can.

Được gặp gỡ nhau, được gặp gỡ cuộc đời (được sinh ra trên đời) là điều khó, nhưng phải biệt ly, giã từ cuộc sống càng khó khăn hơn gấp bội phần. Thế nhưng đời là vậy. Cuộc gặp nào không có chia ly? Ai trên đời chẳng phải chết? Giống như mọi bông hoa đều phải héo tàn trước ngọn gió xuân (thời gian) nhẹ nhàng/ Tuy nhiên, đã sống ở trong đời, phải như con tằm mùa xuân ấy. Cứ rứt ruột mình ra để tạo thành tơ biếc cho đời. Chỉ đến lúc chết mới không còn tơ nữa/ Và, đã sống ở trên đời, phải như ngọn nến ấy. Cháy hết mình và yêu thương hết mình. Cháy và khóc. Chỉ đến lúc cả thân xác cháy thành tro bụi thì mới không còn nước mắt nữa.

Ai cũng nhìn thấy ngọn nến cháy một đôi lần nhưng ít ai thấy nến vừa cháy vừa khóc như Lý Thương Ẩn đã nhìn. Ai cũng biết có nhiều người nghèo khổ nhưng ít ai có thể sống và hy sinh vì người nghèo suốt 20 năm trời – mãi cho đến khi “đáo tử” hay “lạp cự thành hôi” - cả thân xác biến thành tro bụi.

Cụ Em vừa từ giã cuộc đời này mấy ngày trước đây. Đám tang cụ có rất nhiều những con người nghèo khổ đưa tang cùng với những gánh bún, gánh chè, tập vé số trên tay... Đó là những người hiểu rất rõ thế nào là những giọt nước mắt chảy từ tim. Cụ Em lúc sinh thời chẳng khi nào nhắc đến hai chữ “làm ơn” nhưng tất cả những ai biết hoặc chưa biết cụ đều không thể quên ân tình mà cụ đã đem đến cho đời. Tính nhân bản của con người sở dĩ còn mãi bởi vẫn còn đó sự tiếp tục thao thức rằng Thụ ân bất vong (không bao giờ quên ân nghĩa của người)...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.