.

Tỉnh táo và quyết đoán

Tác động đầu tiên của tình trạng khủng hoảng tài chính thế giới - trung tâm là Mỹ - tới Việt Nam là giá nông sản đã đồng loạt giảm. Giá nhân điều thô chỉ còn ở mức 4 đến 4,5 USD/kg, giảm 30% so với năm ngoái. Hạt tiêu khô giá khoảng 36.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 9. Giá cà-phê nhân xô chỉ còn trên dưới 25.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với đỉnh giá của vụ này. Giảm hơn cả là giá mủ cao su, giảm 50% nhưng vẫn không có khách mua.

Gạo đang vào vụ thu hoạch nhưng gạo tồn từ vụ trước còn đầy kho, bán giá rẻ vẫn không có nguồn tiêu thụ. Tiếp theo cá ba sa, cá tra tồn đọng mấy chục vạn tấn, chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn lên cao và hàng ngoại cạnh tranh hàng nội, đợt rớt giá của nhiều loại nông sản chủ lực của nước ta như gạo, cà-phê, cao su, tiêu, điều đang báo trước những dấu hiệu không mấy tốt lành của hàng nông sản, của đời sống các hộ kinh doanh và đời sống nông dân nói chung.

Hàng không bán được, mỗi sáng trở dậy lại mất thêm hàng triệu tiền lãi ngân hàng, trong khi không có tiền mua vật tư cho vụ tiếp sau, nhiều hộ nông dân đã phải tính đến phá sản hoặc chuyển đổi ngành nghề. Lác đác nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng bỏ ruộng hoang, để mía chết già ngoài ruộng; chặt cây lâu năm như cao su, cà phê…

Tình trạng càng được mùa càng rớt giá hoặc rớt giá do ảnh hưởng của thị trường thế giới đã trở thành chu kỳ, không còn xa lạ lâu nay. Nhưng lần rớt giá này đáng lo ngại hơn, vì chưa biết nó sẽ kéo dài bao lâu và còn rớt thấp hơn nữa bởi nguyên nhân của nó là từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nước ta chưa hội nhập sâu về thị trường tài chính nhưng đã hội nhập rất sâu vào thị trường nông sản thế giới. Khi thị trường tài chính hỗn loạn, tín dụng đổ vỡ, hàng trăm tỷ USD “bay hơi” cùng nền tài chính bong bóng, việc cắt giảm hoặc tạm ngừng mua nông sản của Mỹ, của thị trường EU là điều tất nhiên. Người ta ngừng thì mình đọng hàng, trong khi quỹ bảo hiểm cho nông sản của mình còn chưa có hoặc quá yếu. Với tình huống như vậy, tổn thất là khó tránh khỏi.

Để vượt ra khỏi tình trạng này, cần nhiều biện pháp đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và vi mô, không thể xem thường một biện pháp nào. Ở đây, chỉ xin bàn về một biện pháp, đó là cần báo động về việc găm hàng chờ giá, đang xuất hiện ngày một phổ biến ở nhiều nơi. Theo một đoàn khảo sát của Bộ NN-PTTN ở miền Trung và Tây Nguyên, lượng cà-phê, hồ tiêu dự trữ còn khá lớn. Lượng mủ cao su, hạt điều ở miền Đông Nam Bộ; lúa gạo dự trữ ở ĐBSCL cũng tương tự, nhưng tâm lý người có hàng là vừa lo rớt giá vừa chần chừ không muốn bán.

Trong một nền kinh tế tự phát, thiếu thông tin, nhiều hoạt động mua bán còn dựa vào kinh nghiệm, vào phỏng đoán. Kinh nghiệm thu được nhiều năm qua là thị trường hết lạnh sẽ nóng, giá cả hết xuống sẽ lên, đặc biệt là với hàng nông sản, trực tiếp giải quyết chuyện ăn uống hằng ngày. Nhiều năm qua, không ít người có gan găm hàng qua kỳ rớt giá đã trúng to. Không cần đến những thí dụ đã xa, chỉ mới đây thôi, nhiều hộ đã thu thêm được hàng tỷ đồng lãi nhờ trụ vững khi cà-phê, cao su và cả cá tra rớt giá. Kinh nghiệm “tự lập quỹ bảo hiểm trong nhà” như vậy không phải không có tác dụng tích cực, nhưng trong trường hợp hiện nay là khá mạo hiểm vì chưa ai nắm chắc được tình trạng khủng hoảng thị trường nông sản bao giờ kết thúc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa biết diễn biến tới đâu và nếu có đi dần vào ổn định theo những dự báo lạc quan nhất thì cũng phải tới giữa năm 2009. Nền kinh tế nước ta, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp thì cũng gián tiếp chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng này, trong đó giao dịch xuất nhập khẩu là lĩnh vực nóng nhất. Đã đến lúc không thể chỉ trông cậy vào kinh nghiệm, vào tập quán mà còn cần phải có thông tin và xử lý thông tin một cách kịp thời, sáng suốt. Vài chục triệu đồng cho mỗi gia đình nhưng sẽ là hàng nghìn tỷ đồng cho cả đất nước sẽ được quyết định từ những người đang có hàng trong tay.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.