Những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho 80 triệu người dân Việt Nam đang họp ở Hà Nội trong khoảng 30 ngày để bàn về quốc kế dân sinh trong thời điểm kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường. Có thể nói, giám sát điều hành kinh tế là nội dung được quan tâm nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII.
Với tư cách của một cử tri, tôi cho rằng, Quốc hội cần chất vấn luận điểm mà Chính phủ đưa ra gần đây, rằng kinh tế Việt Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Luận điểm này hiện đang là đề tài tranh luận trong giới chuyên gia và kinh doanh. Người ủng hộ thì cho rằng, do tính ổn định của hệ thống tín dụng đang được duy trì nên chúng ta có khả năng kháng cự trước suy thoái thế giới.
Tuy nhiên, người không ủng hộ lại lập luận rằng, nếu không bị ảnh hưởng trực tiếp thì tại sao thâm hụt thương mại, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng… gia tăng và Chính phủ phải đề nghị hạ chỉ tiêu tăng trưởng? Đây không đơn giản là một đề tài tranh luận mà nó liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế, đến hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội. Chính vì vậy, với chức năng của mình, Quốc hội cần làm rõ.
Áp lực suy thoái đang đè nặng lên hàng vạn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xuất nhập khẩu. Họ là lực lượng đã và sẽ góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Thế nhưng, từ khi cuộc suy thoái bắt đầu đến nay, Chính phủ vẫn chưa công bố những chính sách đủ lớn nhằm hỗ trợ lực lượng quan trọng này. Phải chăng, đó là điểm khuyết trong điều hành kinh tế ở thời điểm hiện nay. Cần nhấn mạnh rằng, bảo vệ doanh nghiệp chính là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng triệu con người. Cử tri khối doanh nghiệp đang trông chờ Quốc hội chất vấn Chính phủ về vấn đề vừa cấp thiết vừa chiến lược này.
Từ đầu năm 2008, thị trường bắt đầu diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên tình trạng tăng giá vô tội vạ. Sau một tin đồn, giá gạo tăng mạnh và thiết lập mặt bằng giá mới. Sau một tin đồn, hàng triệu người đổ xô đi mua xăng trước khi xăng… hạ giá! Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, rằng tìm ra thủ phạm và xử lý trước pháp luật. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có đối tượng nào trong các vụ việc trên được đưa ra xét xử. Điều này gây tổn hại đến kỷ cương phép nước, đến lòng tin vào hệ thống thi hành pháp luật. Đã đến lúc Quốc hội lên tiếng với Chính phủ về những vấn đề gây tổn hại toàn xã hội này?
Việt Nam đã gia nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc chấp nhận các mặt trái của toàn cầu hóa như một quy luật. Ở đó, phân biệt giàu nghèo trở nên mạnh mẽ hơn, ruộng đất của nông dân ngày càng bị thâu tóm vào tay tư nhân, đời sống của nông dân và dân nghèo thành thị trở nên khó khăn hơn… Tất cả những điều đó đang diễn ra trước mắt các nhà quản lý và các vị đại biểu Quốc hội. Đây tất nhiên không phải là vấn đề có thể giải quyết ở một kỳ họp, thậm chí một nhiệm kỳ, nhưng là chủ đề luôn luôn cần được quan tâm, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.
NGUYỄN THỊ EM
.
.
Vài vấn đề cử tri gửi Quốc hội
Thứ Sáu, 17/10/2008, 07:39 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.