.

Vì sao không hạ lãi suất cơ bản?

Sự kiện hàng loạt ngân hàng trung ương các nước phát triển hạ lãi suất cơ bản (LSCB) các đồng nội tệ của mình nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn bình chân như vại, phải chăng chúng ta hoàn toàn đứng ngoài các nguy cơ suy thoái đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn? Để trả lời câu hỏi trên, cần lý giải ít nhất hai vấn đề. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam hay không; thứ hai, điều gì sẽ xảy ra nếu hạ LSCB?

Đến phiên họp thường kỳ gần đây nhất, Chính phủ vẫn khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nguyên nhân được đưa ra là do kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự gắn kết với kinh tế toàn cầu. Nếu xét về lộ trình gia nhập WTO, có vẻ điều này được chấp nhận, bởi Việt Nam còn đến gần 10 năm nữa để gia nhập hoàn toàn vào thể chế này. Tuy nhiên điều này không có nghĩa, chúng ta có thể “khoanh tay đứng nhìn” khủng hoảng, bởi vì chúng ta có thể tránh được cơn bão khủng hoảng tiền tệ ngân hàng trực tiếp, nhưng những lĩnh vực khác như xuất nhập khẩu, đầu tư, ngoại hối... đối với một nền kinh tế mở như nước ta chắc chắn có ảnh hưởng không sớm thì muộn. Vì vậy, phải có phương án ứng phó ngay từ bây giờ.

Mệnh đề tiếp theo, nếu hạ LSCB thì điều gì sẽ xảy ra? LSCB của đồng Việt Nam hiện vẫn duy trì ở mức 14%/năm. Theo quy định, các ngân hàng thương mại được phép tự áp dụng lãi suất huy động (*), còn lãi suất cho vay thì bị khống chế ở mức không quá 150% mức lãi suất cơ bản - tức 21%/năm. Nếu ngay lúc này NHNN quyết định hạ LSCB thì một trào lưu mới đầy rủi ro có thể xảy đến. Các ngân hàng thương mại sẽ vin vào đó để hạ lãi suất huy động.

Điều này khiến người gửi tiền xem xét lại quyết định của mình, họ có thể không gửi tiền vào ngân hàng nữa mà quay sang đầu tư vào các thị trường khác nhằm bảo toàn nguồn tiền, làm cho nguồn vốn của ngân hàng bị thâm thủng. Trên thực tế, nỗi lo về thanh khoản vẫn còn ám ảnh mạnh các ngân hàng, gián tiếp đe dọa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu điều đó xảy ra cùng lúc và trên diện rộng, nền kinh tế có thể lâm vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra, bởi các ngân hàng sẽ làm mọi cách để tự cứu sống mình và do đó gián tiếp cứu sống nền kinh tế chỉ bằng vài động tác, như tăng lãi suất huy động trở lại lúc ban đầu chẳng hạn.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, LSCB đồng Việt Nam hiện là công cụ được sử dụng trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, đang lạm phát cao, có tác dụng neo lãi suất cho vay không vượt quá mức cho phép, do đó, có tác dụng cảnh giới và tạo hành lang an toàn cho môi trường kinh doanh của các ngân hàng thương mại, từ đó tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước đang có sự cải thiện tích cực, các ngân hàng đang chủ động giảm dần lãi suất huy động và cho vay dưới trần quy định, thì cần sớm đặt ra việc điều chỉnh LSCB để kịp thời gửi một thông điệp lạc quan hơn đến với nền kinh tế. Đừng để LSCB rơi vào tình trạng lạc hậu với thời cuộc, thiếu sức sống như đã từng xảy ra nhiều năm trước đây, nghĩa là có điều chỉnh thay hay đổi cũng không ảnh hưởng đến ai, thậm chí không được quan tâm đến?  
       
NGUYỄN THỊ EM

(*) Thực tế, NHNN có quy định trần lãi suất huy động, nhưng ở mức gần như giả định, vì không ai áp dụng mức trần đó được, mức không quá 150%/năm.

;
.
.
.
.
.