.

Vượt ghềnh thác lướt tới

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ - trung tâm kinh tế thế giới - đã lây lan trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu với những nguy cơ và sự đổ vỡ chưa thể dự đoán hết được. Hoặc là, sau những tổn thất rất lớn như đã biết, kinh tế thế giới sẽ đi dần vào ổn định.

Hoặc là, sự tồi tệ không dừng lại, những thập niên đầu thế kỷ 21 sẽ chứng kiến một cơn địa chấn tài chính, tín dụng khủng khiếp nhất trong lịch sử. Cơn siêu bão tài chính từ nước Mỹ đã tràn sang các châu lục, nhất là châu Âu.

Chính phủ các nước phát triển hàng đầu như Đức, Anh, Nhật, Pháp và nhiều quốc gia khác đang lo lắng chằng buộc hệ thống ngân hàng, các công ty chứng khoán của mình với hy vọng thoát bão với tổn thất ít nhất. Hàng chục, hàng trăm tỷ đô la lấy từ tiền đóng thuế của người dân đã được tung ra như những chiếc phao cứu sinh, kèm theo những lời trấn an mạnh mẽ nhất nhưng hiệu quả chưa nhiều.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới, Tổng thống Mỹ phải đề nghị lưỡng viện chuẩn chi 700 tỷ USD để cứu vãn hệ thống ngân hàng trước cơn sóng thần nợ xấu. Lần đầu tiên, chính các nghị sĩ Cộng hòa khiến Tổng thống của đảng mình ngã ngựa.

Cũng lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ đã ban hành sắc lệnh giải ngân chỉ sau ít phút Hạ nghị viện chuẩn chi. Nhưng sự khẩn trương chưa từng có ấy lại chưa làm được cái việc ai cũng tưởng đã chắc, là làm cho thị trường tài chính nhanh chóng hồi phục.

Mặc dù nguyên thủ nhiều nước lập tức lên đài truyền hình hoan nghênh hành động cứu nguy của Mỹ nhưng thị trường chứng khoán nhiều nước vẫn trong xu thế mất điểm, tâm trạng các nhà đầu tư vẫn bất an, nhiều ngân hàng vẫn lâm vào tình cảnh trước giờ phá sản, tầng lớp dân nghèo vừa lo âu vừa phẫn nộ.

Trong bối cảnh ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên thứ 8, Quốc hội sắp bước vào kỳ họp cuối năm với chương trình nghị sự chủ yếu là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm nay và trù liệu phương hướng lớn cho năm sau.

Điều dễ thấy nhất là nước ta đã bước đầu vượt qua được một đợt khủng hoảng với mức tàn phá không thua gì cuộc khủng hoảng khu vực năm 1998. Trong bối cảnh thiên tai liên tiếp, dịch bệnh lan tràn và lạm phát tăng nhanh, các biện pháp kiên quyết, đồng bộ, kịp thời của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả mà chúng ta đã thấy.

Tốc độ lạm phát chậm lại và bước đầu được đẩy lùi, nhập siêu giảm rõ rệt, tốc độ tăng GDP vẫn ở mức khả quan, làn sóng đầu tư tiếp tục giữ vững. Mới chỉ hơn hai năm nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội Đại hội X đề ra đã đạt và vượt. Tuy nhiên, điều còn có nhiều ý kiến là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến Việt Nam không?

Những người cho rằng không căn cứ vào sự hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán chưa sâu; không phải sự yên ổn hiện nay là do ngân hàng, tài chính Việt Nam mạnh, mà chính bởi chúng ta còn đứng ngoài cuộc, trong cái chưa hay có cái may.

Những người cho rằng chưa thể nói trước, tốt nhất là chớ chủ quan, phải biết phòng xa mọi rủi ro thì cho rằng nước ta đã hội nhập đến 80% vào nền kinh tế toàn cầu thì không thể không bị ảnh hưởng khi kinh tế thế giới có biến động. Sự can dự của nước ta vào nền kinh tế thế giới đâu chỉ có tài chính, ngân hàng, chứng khoán mà còn nhiều lĩnh vực khác, rõ nhất là đầu tư, xuất nhập khẩu…

Ai đúng, ai sai, sai đúng đến mức nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều biến động, nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì tiếp tục tiết kiệm, chống lãng phí, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như phương hướng đã được thống nhất vẫn sẽ là mái chèo giúp con thuyền kinh tế vượt qua sóng to, gió cả.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.