1- Các vấn đề về giáo dục đang thu hút mối quan tâm của toàn xã hội. Quan tâm vì thiết thân quá, và vì giáo dục đang có... nhiều vấn đề quá, mà toàn những vấn đề lớn như giáo dục đã thực sự được xem là quốc sách hàng đầu hay chưa, như chất lượng đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay chưa, và thời sự nhất như nên hay chưa nên tăng học phí...
Nói đến toàn xã hội quan tâm tức là có cả bản thân các nhà giáo - những người được phó thác nhiệm vụ trực tiếp giáo dục thế hệ trẻ - cũng phải quan tâm. Các nhà giáo tự mình phải thấy giáo dục đã thực sự được xem là quốc sách hàng đầu hay chưa? Ngân sách đầu tư cho giáo dục đã đúng mức chưa? Chính sách ưu đãi dành cho người dạy, người quản lý trường học đã thỏa đáng chưa? Xã hội hóa đầu tư cho giáo dục hiểu thế nào là đúng? Tự mình phải thấy chất lượng giáo dục có thực chất hay không, có hiện tượng ngồi nhầm lớp không, hiện tượng ấy có phổ biến không...
2- Đảng, Nhà nước từng đánh giá rằng bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào thì “nền giáo dục nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, yếu kém, nhất là về chất lượng và quản lý Nhà nước về giáo dục”. Giáo dục thành phố Đà Nẵng có nằm ngoài tình trạng chung ấy không?
Chắc là không!
Vấn đề là các nhà giáo Đà Nẵng đã phấn đấu để vượt lên trên mặt bằng chung. Các nhà giáo Đà Nẵng có quyền tự hào rằng khi so bó đũa chọn cột cờ thì mình có thể được chọn và thực tế đã được chọn; nhưng cũng không nên quên rằng mình chỉ được chọn từ trong bó đũa, với những hạn chế nhất định về tầm cỡ, về mức độ. Đương nhiên có những hạn chế chung của toàn ngành không thuộc trách nhiệm của các nhà giáo ở thành phố này.
Chương trình và sách giáo khoa còn bất cập, hay quá tải, các nhà giáo Đà Nẵng không có trách nhiệm gì đáng kể. Nói mất cân đối giữa dạy chữ - dạy người - dạy nghề là xét trên tổng thể giáo dục cả nước hay từng địa phương, chứ mẫu giáo thì phải cân đối giữa dạy người và dạy chơi (làm quen với chữ cũng là một trò chơi).
Tiểu học thì chủ yếu là dạy chữ với dạy người thôi. Đặc biệt dạy người thì mẫu giáo và tiểu học là quan trọng nhất. Giáo dục công dân hiệu quả nhất là ở các cấp học này. Cha ông xưa chẳng phải đã từng nhắc nhở: “Măng không uốn để tre uốn sao cho lại”. Tuổi này là tuổi vâng lời thầy cô nhất. Cho nên thầy cô phải gương mẫu nhất.
Dạy chơi và dạy chữ thì ngoài việc có đức, các nhà giáo phải có tài, tức là phải có năng lực sư phạm. Cấp học càng thấp, năng lực sư phạm của giáo viên càng phải cao. Năng lực sư phạm đòi hỏi kiến thức, đương nhiên rồi, không thể dạy sai kiến thức. Nhưng cốt lõi của năng lực sư phạm là cách chuyển tải kiến thức cho học sinh.
Đọc cho học sinh chép phần toát yếu là một cách. Yêu cầu học sinh học thuộc lòng là một cách. Không nên coi thường cũng như cực đoan phủ nhận những cách dạy truyền thống ấy. Con người vẫn đi bộ trên đôi chân mình khi đã chế tạo ra xe đạp, rồi vừa tiếp tục đi bộ trên đôi chân mình vừa tiếp tục đi xe đạp khi đã chế tạo ra xe máy, thậm chí xe hơi… Gần đây có chủ trương sử dụng giáo án điện tử trong dạy - học. Chủ trương như vậy hoàn toàn đúng, nhưng cần nhớ rằng cách dạy công nghệ cao này không hề loại trừ những cách dạy truyền thống - và cũng nên cảnh giác rằng nếu không khéo thì đây lại chính là biến tướng thời @ của kiểu dạy thầy đọc trò chép xưa nay.
3- Gần đây nhiều người cũng hay xôn xao bàn tán về vấn đề triết lý giáo dục, cho rằng nước ta đang thiếu triết lý giáo dục. Thật ra thiếu triết lý giáo dục chính là một kiểu triết lý giáo dục, giống như không quan tâm gì đến chính trị chính là một thái độ chính trị. Tiếp cận vấn đề triết lý giáo dục từ góc độ cách dạy, có thể thấy mục tiêu đào tạo như thế nào sẽ có cách dạy như thế ấy.
Nhằm đào tạo ra những con người chỉ biết tuân phục vâng lời, cách dạy thầy đọc trò chép và hàng loạt biến tướng xem ra có nhiều lợi thế, nhưng nếu nhằm đào tạo ra những con người thích độc lập suy nghĩ và giàu năng lực sáng tạo thì phải có cách dạy khác phù hợp hơn. Chẳng hạn phải hỏi để học sinh trả lời. Và phải làm cho học sinh biết hỏi.
Phụ huynh nước ta cứ hay tìm hiểu con mình hôm nay được mấy điểm và hài lòng khi con nói 9, 10; và phiền lòng khi con nói 5, 6, vì họ hiểu và hầu như ai cũng hiểu trung bình tức là rất kém. Phụ huynh các nước không như vậy, cách nghĩ của họ hơi khác: họ thường tìm hiểu hôm nay con họ hỏi thầy cô được mấy câu. Rõ ràng tư duy học để được cho mấy điểm rất khác so với tư duy học để được hỏi mấy câu.
Rồi đây khi trưởng thành, học sinh sẽ giải các bài toán trong thực tiễn cuộc sống theo ba mức: mức thấp nhất là chọn đáp án mình cho là đúng trong mấy đáp án có sẵn; mức cao hơn là tự tìm lấy đáp án - vì thực ra cũng mấy khi có đáp án có sẵn; mức cao nhất là tự đề ra câu hỏi trước khi tự tìm lấy đáp án. Muốn thế, học sinh phải tập dượt bằng việc hỏi được những câu hỏi có khi ngây ngô ngay từ hồi còn học mẫu giáo và nhất là tiểu học.
BÙI VĂN TIẾNG
.
.
Bàn thêm một số vấn đề của giáo dục
Thứ Tư, 19/11/2008, 07:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.