.

Bàn thêm về an sinh xã hội

An sinh xã hội là một nội dung quan trọng của quốc kế dân sinh. Nó là sự trợ giúp cần thiết của Nhà nước và cộng đồng đối với những người (và nhóm người) bị thiệt thòi, gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, địch họa (khủng bố) hoặc do những tai nạn rủi ro nào đó, do biến động bất thường của kinh tế-xã hội (như khủng hoảng, lạm phát).

Người nghèo là đối tượng chủ yếu của an sinh xã hội. Nhưng không ít trường hợp, người có thu nhập cao bỗng dưng gặp chuyện không may lâm vào cảnh ngặt nghèo, cũng rất cần chiếc phao an sinh xã hội.

An sinh xã hội chỉ có thể được giải quyết cơ bản trên nền tảng kinh tế phát triển và phân phối bảo đảm công bằng. Một xã hội tiến bộ, văn minh, càng ngày càng có những điều kiện vật chất kỹ thuật để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn rủi ro. Và một hệ thống dịch vụ bảo hiểm phủ khắp các lĩnh vực của đời sống là cách tốt nhất để xử lý các tình huống bất trắc đó.

Nếu có bảo hiểm sản xuất nông nghiệp thì người cấy lúa, nuôi tôm cá sẽ không trắng tay khi mất mùa hoặc dịch bệnh hoành hành. Một người, nhà bị hỏa hoạn có bảo hiểm thì vẫn còn cơ hội tạo lập nơi ở mới.

Dịch vụ bảo hiểm ở nước ta chưa phát triển là bao. Dân ta do mức sống còn quá thấp, làm không đủ ăn, nên không có điều kiện tham gia bảo hiểm. Phần khác do không nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm, sống ngày nay không lo tới những rủi ro ngày mai, nên không quan tâm đến dịch vụ này.
Chính vì thế trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội càng nặng nề hơn. Nhà nước cần chủ động dành một phần ngân sách (cũng được hình thành từ tiền thuế của dân) và với nguồn lực ấy kịp thời đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an sinh xã hội.

Trợ giúp cho những người chăn nuôi gà, heo bị dịch bệnh (theo số đầu con bị tiêu hủy) là biện pháp khống chế dịch và cũng là bảo đảm an sinh xã hội. Những vùng bị bão lụt rất cần sự có mặt ngay lập tức của lực lượng cứu hộ, sự tiếp tế kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, v.v..., sự chia sẻ  với những gia đình có người chết và bị thương. Và sau đó là sự trợ giúp để cuộc sống và sản xuất trở lại bình thường.

Dân ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Mọi chính phủ đều phải làm như vậy. Nhiều nước còn có hẳn một bộ tình trạng khẩn cấp - để lo việc này (chắc họ không phải không tính đến chuyện bộ máy cồng kềnh, biên chế phình to). Chính phủ ta luôn tự khẳng định là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” càng phải làm tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân sẽ ấm lòng hơn khi trong lúc hoạn nạn hiểm nghèo họ thấy Nhà nước hùng mạnh và đầy quyền lực luôn gần gũi, thân thiết với mình. Các tổ chức từ thiện nhân đạo, những thành tố của xã hội dân sự là rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội. Lực lượng này có thể huy động một khối lượng vật chất rất lớn và có thể đi đến mọi ngóc ngách của những cảnh đời bất hạnh. Chính các tổ chức này góp phần khẳng định xã hội ta đầy tình người, quan tâm chăm lo con người.

Nhưng các tổ chức này không thay thế, không làm giảm nhẹ vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội. Về an sinh xã hội, Nhà nước không chỉ phải có lực lượng và giải pháp xử lý có hiệu quả các trường hợp cụ thể, các tình huống cụ thể mà còn phải có chiến lược phòng ngừa ngăn chặn từ xa, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, của các loại tai nạn của cả các trạng huống bất lợi về kinh tế, có hành lang pháp lý và cơ chế phát triển nhanh và rộng khắp các dịch vụ bảo hiểm.

Từ đầu năm 2008 đến nay, giá cả tăng nhanh, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng rất quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội. Trong phạm vi Đà Nẵng, thành phố đã cố gắng thực hiện một số việc như:

- Giải ngân 34 tỷ triệu đồng hỗ trợ cho ngư dân bù đắp một phần chi phí nhiên liệu do giá xăng dầu lên cao, tạo điều kiện để ngư dân ra khơi đánh bắt, có việc làm, thu nhập.

- Trợ cấp cho 15 nghìn hộ nghèo và cận nghèo với mức thấp nhất 150.000 đồng/tháng mỗi hộ. Và mọi người trong diện này đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ngân sách thành phố phải dành trên 30 tỷ đồng cho việc này.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, một số nhà tài trợ đã cắt giảm một số khoản chi phí cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, chi phí đã cam kết cũng không phù hợp với sự leo thang của vật giá.
 
Giữa lúc đó, việc nuôi dưỡng các cháu không thể đứt một bữa, cũng không thể xuống cấp. Trước tình trạng này, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã có cuộc làm việc với Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố và quyết định một số biện pháp hỗ trợ trước mắt bảo đảm hoạt động bình thường của trung tâm và có cơ sở để định hướng phát triển, nhằm tạo điều kiện để trung tâm góp phần tích cực thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố.

Đây là một động thái hợp đạo lý rất kịp thời, tiếp sức cho những tổ chức và người hoạt động từ thiện nhân đạo đang gặp khó khăn. Chắc chắn rằng để bảo đảm an sinh xã hội, UBND thành phố và các cơ quan của mình còn có rất nhiều việc phải làm. Bảo đảm an sinh xã hội là bảo đảm an dân, có an dân thì mới có ổn định và phát triển. “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Nguyễn Trãi đã khẳng định truyền thống đó của dân tộc ta.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.