Tại phiên thảo luận ngày 4-11-2008, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có cuộc trao đổi hết sức thú vị với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận. Chủ đề của cuộc trao đổi này xoay quanh ý tưởng về việc Đà Nẵng “muốn” trong một tương lai gần sẽ bầu trực tiếp chức danh Chủ tịch UBND thành phố (PL TP HCM, 5-11-2008).
Theo Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, nếu được Trung ương cho phép thì vị chủ tịch đó có quyền bổ nhiệm chủ tịch quận, huyện và tiếp đó, cấp thứ hai này sẽ có quyền bổ nhiệm chủ tịch xã, phường. Khi bầu chức chủ tịch sẽ hiệp thương để có ba ứng viên và các ứng viên sẽ tuyên bố với cử tri liên danh các cấp phó cùng tranh cử với mình cũng như chương trình hành động trong nhiệm kỳ sắp tới.
Băn khoăn của ông Nguyễn Văn Thuận là có ba vấn đề đặt ra. Một là, nếu thực hiện cơ chế bầu cử như trên thì Thành ủy sẽ lãnh đạo như thế nào? Hai là, nếu ê-kíp ấy không hoàn thành nhiệm vụ thì ai có quyền bãi chức và ba là, bãi chức giữa nhiệm kỳ sẽ đưa đến tình trạng “xôi đỗ”, không nhất quán về nhiệm kỳ của HĐND trên cả nước...
Trước hết, phải ghi nhận đây là một ý tưởng táo bạo mà nếu khả thi sẽ là bước đột phá đối với cơ cấu bộ máy chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Cái lợi rõ nhất là việc bầu trực tiếp sẽ buộc ông chủ tịch phải chịu trách nhiệm toàn diện. Nhờ thế sẽ chấm dứt được tình trạng đổ lỗi cho nhau khi có sự cố xảy ra. Mặt khác, người dân được trao quyền tự quyết rất lớn, thể hiện tính dân chủ cao độ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ở đây bao gồm cả sự chịu trách nhiệm, tính tự giác của mỗi lá phiếu cử tri.
Tất nhiên, sự dè dặt của ông Nguyễn Văn Thuận về vai trò lãnh đạo “toàn diện, triệt để” của Thành ủy không phải là không có cơ sở. Nhưng Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tiên liệu điều này khi cho rằng trong quá trình hiệp thương, Thành ủy đã có sự chỉ đạo trong quá trình cùng với Mặt trận Tổ quốc thành phố lựa chọn các ứng viên. Vấn đề còn lại là sự gián đoạn của nhiệm kỳ nếu như Chủ tịch thành phố không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực ra, trong nguyên tắc bầu cử của thế giới hiện đại, chức danh phó, tự nó đã bao hàm cả việc đủ sức thay thế chức chủ tịch nếu có sự cố xảy ra. Dẫn chứng rõ nhất là trường hợp của ông John McCain trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của J. McCain trước B.Obama là vì ông đã lựa chọn người phó – bà S. Palin “chưa đủ tầm để trở thành Tổng thống khi cần thiết”.
Điều sau cùng cần cân nhắc là liệu khi người dân tham gia bầu trực tiếp chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì các yếu tố như tính tự giác chưa đủ của cử tri, khả năng rất lớn của thói quen “a dua” cũng như sự thờ ở về chính trị của đa số người dân sẽ được giải quyết như thế nào? Không phải ngẫu nhiên mà một số nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc đại cử tri nhằm ngăn ngừa đến mức thấp nhất các khiếm khuyết và bất cập trên.
Một ý tưởng mới bao giờ cũng “đến một mình” bởi sáng tạo rất ít khi là kết quả của tư duy tập thể. Vì thế, những phản hồi, dè dặt, thậm chí cả sự lo ngại các hệ lụy phát sinh là không tránh khỏi. Cái quan trọng nhất là nếu không có sự mạnh dạn, đột phá thì không thể nào tìm thấy những thay đổi căn bản – nguyên tắc bất di bất dịch của mọi sự tiến bộ. Tại sao không áp dụng thí điểm đề xuất của Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng để có câu trả lời đúng và đủ cho việc cải cách bộ máy hành chính?
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố
Thứ Hai, 10/11/2008, 07:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.