Dòng tin trên báo Lao Động ngày 22-11-2008 thật ngắn: UBND quận Thanh Khê, Đà Nẵng quyết định đầu tư trên 500 triệu đồng để thiết lập Trung tâm thông tin liên lạc giữa Bộ đội Biên phòng với các tàu đánh cá đang hoạt động trên biển. Dòng tin ngắn đó dài hơn cả những khát khao mong mỏi của biển với bờ...
Nếu có một nhận xét tổng quát cho dòng tin trên thì phải nói rằng đó là một trong những tin tức tốt đẹp nhất, đáng xúc động nhất của năm 2008! Ai cũng biết những vất vả, khó khăn; thậm chí là chuyện sống còn của những ngư dân bám biển để mưu sinh. Những người già ở Thanh Khê kể, chỉ riêng trận bão lịch sử năm 1964 làm cho nhiều làng chài ở Thanh Khê trắng khăn tang(!). Vậy mà, ngư dân Thanh Khê vẫn phải sống với biển và cứ chờ... nỗi đau từ biển.
Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Duy: Chân trời nào biển mãi gọi người đi/ Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng/ Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm. Vậy đó, ngư dân Thanh Khê nói riêng, cả nước nói chung mưu sinh giữa bao sự hiểm nguy và không ít người phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Vì mưu sinh và không có phương tiện thông tin về dự báo thời tiết mà hàng trăm ngư dân câu mực khơi của Thanh Khê đã bị thiệt mạng trong cơn bão Chanchu hồi giữa năm 2006. Nỗi đau Chanchu chỉ là một trong muôn vàn tai ương mà ngư dân phải chấp nhận bởi để sống, họ phải “sống chung” với hiểm nguy. Những người ở đất liền rất muốn được sẻ chia, giúp đỡ sao cho ngư dân đỡ khổ, đỡ phải cô đơn trên biển rộng với sóng gió bất ngờ, nhưng nói thì dễ, thực hiện là vô cùng khó.
Quyết định của UBND quận Thanh Khê là bước đột phá, tin vui thật ấn tượng. Đây là lần đầu tiên có một trung tâm thông tin như thế được thiết lập ở nước ta, cho dù chúng ta có trên dưới 3.000 km bờ biển(!). Đấy cũng là cách tốt nhất mà chính quyền có thể lo cho sự an toàn của người dân. Cụ thể và hiệu quả là thước đo giá trị của chính quyền. Kể từ đây, biển và bờ không chỉ là chuyện “riêng” đầy thi vị của Xuân Diệu hay Xuân Quỳnh nữa: Chỉ có thuyền mới biết, biển mênh mông dường nào...
Theo cách nghĩ của tôi, câu thơ đó như một sự ngầm định rằng, người dân chài lưới cô độc lắm trong cái lẽ của nhân quần. Một năm có mười mấy cơn bão nhưng thông tin cần thiết thì cứ thất thường như sóng nước trùng khơi. Sự lo toan, chăm sóc của bờ đối với biển, lâu nay, quả là chưa đủ nghĩa ân tình.
Nếu như địa phương nào cũng làm theo cách của Thanh Khê? Câu hỏi đó chưa đưa ra đã thấy nghĩa tình ấm đượm, mong mỏi nồng nàn. Ước mong cho tất cả mọi ngư dân đêm ngày sống cùng biển có được sự hỗ trợ thiết thực đó của tất cả các địa phương trên cả nước. Có như thế, tình cảm, sự giúp đỡ của đất liền đối với ngư dân mới thực sự có ý nghĩa. Có như thế, biển và bờ mới không thể cắt chia...
KHÁNH CHI
.
.
Biển và bờ
Thứ Hai, 24/11/2008, 07:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.