Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản xuống 11% , hầu hết các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay và “sàn lãi suất” mới đã được thiết lập ở mức 12%/năm. Đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng một tháng Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh lãi suất cơ bản, cho thấy sự ứng xử nhạy bén và linh hoạt hơn trong điều hành.
Đến thời điểm này, lãi suất gần như đã quay trở về mặt bằng cũ hình thành từ năm 2007 và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm do ảnh hưởng của nguy cơ giảm phát và suy thoái toàn cầu. Chủ trương hạ lãi suất mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp, qua đó tạo ra động lực rất quan trọng để toàn bộ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, và có thể đánh giá rằng đây là một trong những thành công đáng kể về mục tiêu điều hành vĩ mô.
Tuy nhiên, liệu lãi suất có phải là “át chủ bài” đóng vai trò chủ yếu trong việc yểm trợ nền kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Nhật, EU... đang có dấu hiệu rơi vào “Suy thoái kỹ thuật”, theo nghĩa tốc độ tăng trưởng liên tục bị âm trong vòng hai quý gần đây nhất? Thực tế đang nảy sinh một nghịch lý, lãi suất mặc dù đã hạ nhanh, đáp ứng được kỳ vọng chung của hai phía ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng mức độ giải ngân vẫn còn nhiều hạn chế, không chỉ vì ngân hàng và doanh nghiệp đã học được bài học cảnh giác thận trọng hơn so với trước, mà quan trọng là cơ hội kinh doanh đã và đang có nhiều bất lợi.
Trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế có khả năng đối diện với nguy cơ lập lại kịch bản đã từng xảy ra trong quá khứ: Doanh nghiệp thì thiếu vốn nhưng ngân hàng thừa tiền? Mặt khác, vào lúc này, hơn ai hết, những doanh nghiệp hiện đang lăn lộn trên thương trường, nhất là trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, đã cảm nhận rất rõ về thực tế nghiệt ngã do khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu mang lại. Nhiều đơn đặt hàng bị cắt giảm, nhu cầu thị trường bắt đầu thu hẹp, nhân công thiếu việc làm, giá cả nhiều loại vật tư hàng hóa bị đảo lộn, rơi từ “đỉnh” xuống “đáy” khiến nhiều doanh nghiệp có thể không trụ nổi do lỗ kinh doanh quá lớn và bất ngờ.
Tất nhiên, quy luật của cuộc chơi thị trường khó tránh khỏi hiện tượng “Người thắng - Kẻ thua”, điều này càng bộc lộ rõ hơn qua giai đoạn lạm phát và suy giảm như hiện nay. Tuy nhiên, nếu đứng trên giác độ toàn cục, với tư duy lành mạnh về thị trường, xem đó tựa như một cuộc chơi trí tuệ, thì quy luật “Cùng thắng” (Win - Win) mới thực sự có ý nghĩa bền vững và được xem là bài học đáng đồng tiền bát gạo về phương thức ứng xử trong kinh doanh.
Hiện tại, những diễn biến nhanh và bất ngờ của kinh tế thế giới đang đặt kinh tế nước ta trước hai lựa chọn khó khăn: Một là, cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi cách nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Hai là, cần tăng trưởng theo cách khôn ngoan hơn để vừa chủ động giảm nhẹ những tổn thất do ảnh hưởng của suy thoái, vừa tập trung tích lũy thế và lực cho cuộc đua dài hơi khi kinh tế toàn cầu khởi sắc trở lại. Phương án hai có lẽ là lựa chọn khả thi hơn nhưng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh đồng bộ về mặt chính sách, nhất là hệ thống các giải pháp về tiền tệ - tài chính - đầu tư... nhằm chủ động kích cầu, trong đó lãi suất và tỷ giá được xem như là trụ cột quan trọng làm đòn bẩy tăng trưởng.
Giai đoạn hiện nay đòi hỏi Nhà nước không những cần làm tốt chức năng nhạc trưởng, dự báo sát đúng tình hình, mà còn trực tiếp đóng vai trò “Nhà kiến tạo thị trường”, chủ động cân nhắc triển khai những dự án ưu tiên có tầm quan trọng về mặt quốc kế dân sinh, tạo ra cú hích nhằm dẫn dắt nền kinh tế định hướng vào trọng tâm kích hoạt thị trường, nhất là thị trường trong nước, kể cả phải tính đến giải pháp đặc biệt là chủ động bội chi ngân sách.
VĨNH PHƯỚC
.
.
Cần có sự lựa chọn đúng
Thứ Ba, 25/11/2008, 10:04 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.