.

Dấu ấn Bộ trưởng

Nghe các Bộ trưởng (BT) trả lời chất vấn của ĐBQH trong mấy ngày qua, trạng thái chung của người hỏi và người dân là chưa hài lòng. Sự chưa hài lòng có nhiều nhưng chung quy lại là do các BT toàn trả lời chung chung. Căn bệnh này có tên gọi là “huề”. Nếu như đối chất giữa cơ quan lập pháp và hành pháp mà mãi chỉ có huề thì đất nước sẽ đi về đâu?

Trước hết, nếu trả lời chung chung hoặc nhận lỗi cho có, để qua chuyện thì có hai trường hợp xảy ra: BT không nắm được công việc của ngành mình hoặc cố tình không nhận lỗi. Cả hai trường hợp trên đều khó chấp nhận. Đại biểu Lê Văn Cuông bức xúc đến mức ông cho rằng trước đây có hai BT trả lời được dư luận đồng tình là Mai Ái Trực và Trương Đình Tuyển. Nói như thế có nghĩa là bây giờ không còn BT nào có khả năng tương tự! Và các BT không hề để lại một dấu ấn đậm nét nào trong lòng các cử tri nói chung, các ĐBQH nói riêng.

Làm thế nào để giải quyết chuyện “bóng đưa qua đưa về” rồi rốt cục không thể phân định đúng sai? Bởi, nếu họp và chất vấn theo cách đó chỉ lãng phí thì giờ một cách đáng tiếc. Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Vũ Quang Hải đã nói thẳng với BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng rằng liệu BT sẽ “để lại dấu ấn” gì khi mà EVN vẫn tiếp tục tình trạng người dân có tiền không thể mua điện, EVN gây thiệt hại không nhỏ vì cắt điện lung tung (Vietnamnet, 16h28’, 10-11) cho dù trước đây BT đã hứa (dấu ấn) là sẽ chấm dứt sự độc quyền của EVN? ĐBQH Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng việc ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo (tháng 5-2008) và tiêu chí sức khỏe của Bộ Y tế vừa rồi, tập thể và cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?...

Những câu hỏi vừa dẫn ra ở trên không hề khó nếu nắm vững vấn đề, nếu biết nhận thức rõ các sai lầm, khiếm khuyết. Cái “khó” ở đây là không hề có bất kỳ BT nào thẳng thắn nhận sai lầm ngoại trừ BT Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Thái độ dũng cảm của BT Cao Đức Phát thật đáng ghi nhận. Nhưng, chỉ có một vị BT nhận trách nhiệm không thôi thì quả là quá ít. Tại sao các BT không biết một lẽ đương nhiên rằng “Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy của ta”? “Thầy” ở đây là người dân cả nước, những cử tri tâm huyết sáng mắt, sáng lòng mà các ĐBQH chỉ là những “kênh” chuyển tải thông tin và kiến nghị đó.
 
Do thế, dấu ấn đầu tiên của BT phải là biết nhìn thẳng sự thật về trách nhiệm của chính mình. Mặt khác, cách trả lời vòng vo không phải là chuyện của mới đây mà đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Tại sao không cho các ĐBQH rộng rãi hơn về thời gian chất vấn? Tiết kiệm thời gian họp như thế nào là tùy, riêng chất vấn, không nên tiết kiệm mà phải xem xét đến yêu cầu thời gian cần và đủ. Hàng ngàn câu hỏi của người dân mà chỉ có vài ngày để giải đáp là quá ít. Qua đây cũng phải nhấn mạnh rằng “Hỏi lúc vội vàng để xem trí” cũng là vấn đề nguyên tắc của việc nhận chân năng lực thực sự của một con người.

BT là tinh hoa chính trị của nước nhà. Người dân mong chờ “tinh hoa” của đất nước trả lời thẳng thắn, rõ ràng và đầy đủ tất cả mọi vấn đề. Trước đây, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng “Chất vấn không phải để cho vui” (Vietnamnet, 28-3-2008). Tại sao không có chế tài cho chất vấn? Chẳng hạn phải quy định rõ ràng về tính cụ thể của câu trả lời, không thể có các sai sót chung chung... Tại sao lại không phanh phui sự việc đến cùng, một khi, nhờ thế, có ích cho Nước, có lợi cho dân?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.