Lâu nay, khi nói tới công tác “xóa đói giảm nghèo”, nói tới người nghèo, đa số vẫn thường liên tưởng đến hình ảnh cần phải hỗ trợ khẩn cấp. Đó là do vẫn còn quan niệm cho rằng, cái nghèo hiển hiện ra trước mắt đó cần phải được hỗ trợ, nếu không sẽ dẫn đến chết đói!
Đó chính là do sự tồn tại của những quan niệm chỉ nhìn nhận về mặt hiện tượng mà không đánh giá đúng bản chất và tìm ra nguyên nhân của sự nghèo đói. Vì thế, khi bàn đến vấn đề “chuẩn nghèo” và giảm nghèo thành thị tại Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ thành phố vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng “Chính sách giảm nghèo trong thời gian đến cần xây dựng theo hướng đầu tư chứ không phải là hỗ trợ”.
Nhìn ngược lại thời gian 10 năm qua về thực hiện Thông báo 14-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương giúp các xã miền núi của thành phố. Lúc đó, sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng vẫn còn những xã miền núi hết sức khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo và hộ đói còn cao. Thực hiện chủ trương này, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, địa phương… trên toàn thành phố đã có nhiều hành động để “vực dậy” khu vực này và đạt được những kết quả khả quan.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Thông báo 14-TB/TU đã ghi nhận những kết quả đó; đồng thời đúc rút ra một điều rằng, để xóa nghèo bền vững hơn cho khu vực này, thì phải “cho cần câu chứ không cho con cá” nữa. Bởi “cho con cá” không những chỉ giúp được bề nổi, mà dễ tạo nên tâm lý ỷ lại, chây ỳ. Tại hội nghị này, chính ông Lê Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang đã đề nghị: “Nhu cầu đầu tư cho các xã miền núi là rất lớn và các địa phương này luôn cần đến sự đầu tư có trọng tâm; đó chính là đầu tư cho phát triển con người”.
Từ những vấn đề đó, cần thấy rằng, phải nhanh chóng có sự đổi mới về cách đánh giá, nhìn nhận trong tư duy về sự nghèo đói, để những việc thực hiện chủ trương “xóa đói giảm nghèo”, trong đó có những hành động cụ thể như hưởng ứng “Ngày vì người nghèo” đi vào đúng hướng hơn. Đó là phải xác định được hướng đầu tư để có chính sách đầu tư bài bản cho từng khu vực, từng loại đối tượng, qua đó giải quyết vấn đề nghèo đói một cách có khoa học và bền vững hơn. Ví dụ: Đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế… với những hình thức phù hợp và cần tính toán trước hiệu quả của việc đầu tư này.
Bên cạnh bối cảnh chung, thì với Đà Nẵng, cần có một cách nhìn nhận riêng về đói nghèo đô thị. Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng đề nghị: “Cần chỉ đạo các ngành, các cấp đổi mới nhận thức về nghèo đói đô thị; sớm xây dựng chuẩn nghèo mới, với cách tiếp cận chi tiêu chứ không phải thu nhập để có chính sách giảm nghèo bền vững hơn”. Trong cách tiếp cận chi tiêu, thì không chỉ chi tiêu về đời sống vật chất, mà ngay cả việc chi tiêu phục vụ cho đời sống tinh thần, đời sống văn hóa... Có như vậy, mới đáp ứng được tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn con người của một đô thị đang hướng tới “văn minh, hiện đại”!
NGUYỄN THÀNH
.
.
Đầu tư chứ không hỗ trợ
Thứ Hai, 17/11/2008, 07:42 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.