.

Để niềm tự hào còn mãi

Những trận mưa lụt do hoàn lưu bão, do triều cường những ngày qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ở Hà Nội, ở các tỉnh miền Trung, ở TP. Hồ Chí Minh… vừa qua đã làm chết và mất tích gần 100 người, nhấn chìm hàng chục vạn ngôi nhà, gần một triệu hécta lúa và rau màu, thiệt hại gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thống kê, hình như người ta chưa tính đến những thiệt hại lũ lụt đã gây ra cho các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, mặc dù những thiệt hại đó cũng to lớn và đau xót không kém gì những thiệt hại khác.

Kể ra, cũng khó mà đo đếm được những gì đã mất đi vĩnh viễn do sự tàn phá của thiên nhiên như nước lụt làm hư hỏng cung điện và các ngôi nhà cổ ở Huế, Hội An; mưa nắng, cây rừng đang ngày đêm hủy hoại Mỹ Sơn; ô nhiễm không khí đang làm hư hỏng nhiều đền chùa, tượng gỗ, bia đá ở Hà Nội.

Cũng khó mà chống lại được quy luật của tự nhiên như sự ra đi của vua săn voi Ama Kong, của nghệ nhân Điểu Kau, người thuộc hàng ngàn câu sử thi Tây Nguyên; của nghệ nhân Hoàng Thị Cầu (hát xẩm), Quách Thị Hồ (ca trù) cũng như hàng trăm nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhưng chỉ tính đến những lợi hại về kinh tế, lãng quên những thiệt hại về văn hóa, lấy thống kê từ mùa lũ lụt năm nay làm thí dụ đã chứng minh một thực trạng rất đáng báo động từ nhận thức đến việc làm của chúng ta đối với di sản văn hóa của dân tộc.

Chưa thật bức xúc việc di sản văn hóa bị thiên nhiên tàn phá, bởi chính con người đang tàn phá chúng nhanh hơn, tàn tệ hơn thiên nhiên. Có thể có hàng nghìn dẫn chứng về tình trạng lấn chiếm chùa chiền ở khắp nơi trong nước (Hà Nội hiện còn hàng chục ngôi chùa bị các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở). Đất di tích bị chiếm làm đất riêng. Di sản kiến trúc bị làm biến dạng. Tiền dành tu bổ, xây dựng, bảo tồn di sản bị tham nhũng. Nạn mất cắp và chảy máu cổ vật ngày càng tăng. Tình trạng thương mại hóa di sản văn hóa, lễ hội đã thành phổ biến ở nhiều nơi.

Việt Nam là một trong những quốc gia còn bảo tồn được nhiều vốn quý về văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không phải là một quốc gia có nền văn hóa lớn, đại diện cho một thời kỳ phát triển, một khu vực của nhân loại. Việt Nam có một khu hệ động thực vật, địa mạo, địa hình phong phú, đa dạng nhưng không phải là vô tận và cái gì cũng có.

Chúng ta vinh dự có 7 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản của thế giới nhưng tính đến năm 2004 Trung Quốc đã có 38, Ấn Độ đã có 27 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Sắp tới, nước ta còn có thể có thêm các di sản vật thể như Khu di tích hoàng thành Thăng Long; khu di tích thành nhà Hồ; khu Cúc Phương - Hang con Moong; khu di tích Yên Tử; dân ca quan họ, ca trù, v.v… được đề cử nhưng còn lâu nữa, chúng ta mới theo kịp nhiều nước láng giềng.
 
Bởi vậy, trên một địa bàn không rộng như nước ta, tỷ lệ các di sản thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên, các giống loài và khu hệ động thực vật đặc hữu dày đặc như vậy là niềm tự hào lớn nhưng cần ý thức rằng không thể yên tâm trước việc di sản ngày càng xuống cấp, bị tàn phá như hiện nay. Gần đây nhất, đã có lời cảnh cáo nghiêm khắc về môi trường Hạ Long ô nhiễm ngày một trầm trọng và đô thị cổ Hội An là nơi du khách không nên đến vì phố cổ đã bị thương mại hóa nặng nề. Lời cảnh báo từ một quan chức cao cấp của UNESCO, từ một tổ chức du lịch có uy tín trên thế giới rất đáng để suy nghĩ.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.