.

DIFC - Sản phẩm độc đáo của Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ có cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2009 vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố (29-3). Đó là một tin vui với nhân dân thành phố và hứa hẹn với du khách bốn phương về Đà Nẵng dịp này sẽ được thưởng ngoạn đại tiệc pháo hoa và âm nhạc hoành tráng.

Còn nhớ, ngày 27 và 28-3 năm nay lần đầu tiên cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) được tổ chức ở Đà Nẵng. Người dân thành phố và du khách được thưởng ngoạn “no” mắt đêm Đà Nẵng lung linh rực rỡ trên sông Hàn với những màn bắn pháo hoa độc đáo do các đội thi đến từ các nước Canada, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) cùng đội chủ nhà Đà Nẵng so tài.
 
Sau màn khởi đầu này, thành phố đã quyết định sẽ tổ chức DIFC thành sự kiện thường niên và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sở hữu về bản quyền DIFC. Trước thông tin UBND thành phố đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp nước ngoài chuẩn bị cho DIFC năm 2009 đã có ý kiến không đồng tình, cho rằng DIFC là xa xỉ, hình thức, không phải là nhu cầu cần thiết của đại bộ phận nhân dân. Nên đem số tiền này hỗ trợ sản xuất, thực hiện chính sách an dân…

Vậy DIFC có phải xa xỉ, lãng phí hay không cần có một cái nhìn nhận khách quan và thấu đáo. Trước hết, hãy nhìn vào cách làm của Đà Nẵng. Chi phí cho DIFC là 502 ngàn USD, tương đương khoảng 8,5 tỷ đồng là một khoản tiền lớn. Thành phố không lấy ngân sách để tổ chức DIFC mà huy động nguồn tài trợ của các doanh nghiệp. Dĩ nhiên quyền lợi của đôi bên được bảo đảm, thành phố có sự kiện DIFC mà không dùng ngân sách, doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu trong sự kiện được dư luận rất chú ý.

Lợi ích dễ nhận thấy sự kiện DIFC thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế về Đà Nẵng cùng nguồn thu lớn cho dịch vụ-du lịch của thành phố. Hình ảnh Đà Nẵng được quảng bá nhiều hơn, xa hơn, rộng hơn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Lợi ích vô hình lâu dài là qua sự kiện DIFC, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến Đà Nẵng có môi trường đầu tư thuận lợi với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Rõ ràng lợi ích đạt được qua sự kiện DIFC lớn hơn rất nhiều lần so với khoản chi phí 8,5 tỷ đồng.

Không có lợi thế sở hữu các di sản thế giới như hai tỉnh lân cận Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế để tổ chức các lễ hội du lịch truyền thống, vậy Đà Nẵng có gì để thu hút du khách? Trong nhiều sự kiện du lịch của thành phố thì DIFC lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008 được xem là thành công hơn cả. DIFC có thể coi là sản phẩm du lịch độc đáo riêng của Đà Nẵng.

Nói thi bắn pháo hoa quốc tế ở Việt Nam là nói đến Đà Nẵng. Sau sự kiện DIFC năm 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục và thương hiệu riêng của Đà Nẵng về sự kiện này. Đó là kỷ lục lần đầu tiên có một cuộc thi độc đáo ở Việt Nam, kỷ lục về một cuộc thi (lễ hội) có số người tham dự nhiều nhất (gần 100.000 lượt người trong và ngoài thành phố và quốc tế chỉ trong 2 tối), kỷ lục về thời gian chuẩn bị cho một cuộc thi tầm cỡ quốc tế nhanh nhất (chưa đầy 3 tháng). Ngoài ra, còn có kỷ lục về thời lượng lên sóng truyền hình trực tiếp toàn quốc dài nhất (2 đêm liên tiếp).
 
Có thể khẳng định DIFC đã trở thành nét riêng độc đáo của Đà Nẵng. Với con số kỷ lục về số người trực tiếp (chưa tính hàng triệu khán giả xem DIFC qua truyền hình trực tiếp) thưởng ngoạn màn trình diễn DIFC lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng thì đây là nhu cầu của gần như tất cả cư dân thành phố. Vậy nên, DIFC năm 2009 không chỉ là nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân Đà Nẵng mà cũng là sự háo hức chờ đón của nhiều du khách trong nước và nước ngoài...
        
YẾN VI

;
.
.
.
.
.