Trả lời những bức xúc của đại biểu Quốc hội về vấn đề người dân, tuy đã được đền bù khi phải chấp nhận giải tỏa, nhưng vẫn rất thiệt thòi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết rằng, sắp tới sẽ có chính sách đền bù cả những “giá trị vô hình” (GTVH) cho người dân.
GTVH ở đây được hiểu là việc đền bù sẽ tính thêm các thiệt hại vô hình khác như mất công ăn việc làm, mất văn hóa làng quê, mất bệnh viện, mất trường học gần nhà... Tổng các khoản GTVH này ước tính tương đương 40 – 50% giá trị hữu hình.
Trước hết, rất phấn khởi khi hoàn toàn có thể khách quan mà nói rằng chủ trương trên thể hiện sự quan tâm, sâu sát của Đảng và Nhà nước đối với một trong những bộ phận dân cư nghèo khổ nhất trong xã hội. Thêm 50% một khoản tiền lâu nay không có quả là hạnh phúc bất ngờ. Tuy nhiên, giả định lộ trình về GTVH là một chuyện, còn thực thi để biến cái “vô hình” đó thành hiện thực cho người dân lại là điều không đơn giản một chút nào.
Trước hết, phải thấy rằng GTVH đó không phải là khoản “thêm vào” mà thực ra là khoản tiền người dân có quyền hưởng, “lấy lại” đúng như thực tế phải có, từ cách đền bù bất hợp lý trước kia. Tại sao một mét vuông đất đền bù vài trằm ngàn lại có thể thành vài chục triệu khi đất được chuyển giao cho doanh nghiệp? Sự bất hợp lý có nguồn cội từ chỗ quan niệm coi người dân không phải là một phần sống còn của dự án.
Thứ hai, GTVH nhất thiết phải bao gồm cả một phần của lợi tức phát sinh khi đất “bất động” ấy chuyển động trong thị trường bất động sản. Có thể ví với chuyện tái bản một cuốn sách, “tác giả” là người sở hữu cũ của miếng đất cần phải được hưởng thêm một phần lợi nhuận ở một mức độ nào đó trong lần “tái bản” thứ nhất. Đây là nguyên tắc nhân văn mà người bán không thể không có trách nhiệm. Dĩ nhiên, Nhà nước phải đứng ra làm trung gian để đỡ thiệt thòi cho người nghèo.
Thứ ba, các GTVH nhiều khi thực sự là vô hình! Chẳng hạn, nơi chôn rau cắt rốn, lão nông tuổi xế chiều buộc phải thay đổi, mảnh đất thờ tự, môi trường sống quen thuộc từ tấm bé... Do vậy, những giá trị này không thể “quy ra thóc”, mà những người lập dự án phải có trách nhiệm tính toán hết đường đi, nước bước; sao cho, những mất mát phát sinh từ sự thay đổi môi trường sống phải là tối thiểu. Tất nhiên, đây là điều rất khó nhưng ở không ít trường hợp, nếu tâm huyết, vẫn có thể làm được.
Thứ tư, phải có những chế tài, quy định càng chi tiết càng tốt cho chuyện tính toán các GTVH. Bởi nếu không thế, đây sẽ là “cánh cửa rộng mở” cho những khuất tất, hành dân biến hóa khôn lường. Thứ năm, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh khiến mỗi năm đất nông nghiệp “biến mất” 50.000 ha sẽ dẫn đến sự xáo trộn lớn về an ninh lương thực, văn hóa, cơ cấu hạ tầng...
Do đó, cần phải tính đến những GTVH dài lâu không chỉ cho một vài cá nhân hay khu đất cụ thể. Chẳng hạn, các tác động xâm hại môi trường đối với một xã, một huyện.Chắc chắn rằng khi GTVH được hiện thực hóa thì những bức xúc của người dân khi phải giải tỏa sẽ giảm bớt. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ đối với sự công bằng và ổn định xã hội.
KHÁNH CHI
.
.
Giá trị vô hình
Thứ Tư, 05/11/2008, 07:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.