.

Lo rau xanh cho dân – chuyện lòng tin

Chỉ sau một trận mưa lịch sử, các đại biểu Quốc hội đã có rất nhiều dẫn chứng sinh động để thảo luận, nhằm tháo gỡ những bất cập trong quy hoạch xây dựng cơ bản, trong cấp thoát nước, trong quản lý đô thị, lấy Hà Nội ra làm thí dụ.

Đó là bài học đau xót nhưng cũng là kinh nghiệm quý không chỉ cho những nhà quản lý thủ đô mà còn cho các nhà quản lý ở mọi thành phố trong cả nước. Nhưng để khắc phục những bất cập đó còn cần nhiều thời gian và cũng có nhiều thời gian, vấn đề không còn thời gian chờ đợi nữa là đáp ứng ngay nhu cầu thực phẩm, cụ thể là rau ăn cho gần 3 triệu người dân nội đô Hà Nội từ nay qua Tết  Kỷ Sửu.

Trận mưa từ 350mm đến trên 600mm trên diện rộng đã nhấn chìm 100 nghìn héc ta rau xanh vùng ven Hà Nội dưới biển nước, thiệt hại ước hàng nghìn tỷ đồng, nhiều ruộng rau ở Thanh Trì, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh… đến hôm nay vẫn chưa thể canh tác được.

Mặc dù Bộ NN-PTNT cùng thành phố có kế hoạch giúp nông dân trồng 200 nghìn héc ta rau để đủ rau cho thị trường trước Tết Nguyên đán nhưng với tình hình giống và giá cả vật tư nông nghiệp như hiện nay, người trồng rau còn nhiều đắn đo do trồng rau không có lãi, diện tích trên liệu có đạt được không, còn là câu hỏi chưa dễ trả lời. Rau xanh năm nay thiệt hại trên diện rộng,  sản lượng rau, củ, quả ở các vùng trọng điểm rau của cả nước như Đà Lạt, Sa Pa, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều sụt giảm càng làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu rau cho thị trường.

Mỗi ngày, Hà Nội cần 1.400 tấn rau. Do thiếu bình quân khoảng 400 tấn mỗi ngày, giá rau đã tăng vọt gấp 3 đến 4 lần, có nhiều loại rau được ưa chuộng như rau muống, rau cải, su hào tăng gấp 5 lần (từ 5.000 đồng lên 25.000 đồng/mớ), cà chua 20.000 đồng, khoai tây, bí xanh 10.000 đồng/kg, v.v… vẫn không có để mua. Cơm không rau như đau không thuốc, người ta có thể tạm thời không có thịt, cá nhưng không thể thiếu rau. Cùng không ít nhu yếu phẩm khác, giá rau tăng vọt là khó khăn kinh tế không nhỏ đối với người nghèo, hưu trí, người làm công ăn lương…, đời sống trong lạm phát của những đối tượng này đã khó khăn lại càng khó khăn.

Cọng rau, mớ lá, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ trong đời sống người dân. Cọng rau, mớ lá cho người rồi còn cho chăn nuôi. Sau một tuần ngập úng, ngành chăn nuôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp có hiệu quả, người ta sẽ thấy rau, thịt, gia cầm, hoa quả nước ngoài tràn vào Hà Nội trong một tương lai không xa, đến cả mâm cơm cúng ngày Tết, đĩa ngũ quả cũng là hàng nước ngoài.

Điều người dân chờ đợi ở những nhà quản lý Hà Nội là sau những lời trần tình, hãy bắt tay vào hành động, trước tiên là trong vô số những công việc bề bộn, hãy bảo đảm  thực phẩm cho dân từ nay đến Tết có đủ hàng, giá cả ổn định. Đó là chuyện kinh tế, nhưng cũng là chuyện của niềm tin.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.