.

Mối nguy có thể tránh được

Kế hoạch hóa dân số (chủ động về số lượng, cơ cấu và chất lượng dân số) là một chỉ tiêu hàng đầu đối với mọi quốc gia nhưng đó cũng là mục tiêu khó khăn. Trên thế giới, tùy từng nước mà mục tiêu được đề ra khác nhau. Điều kiện tự nhiên, xã hội như nước ta, phấn đấu ổn định ở mức 100 triệu dân trong hơn thập kỷ tới là một chỉ tiêu cần phải đạt được. Nhờ những cố gắng bền bỉ, công tác dân số của nước ta đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Thế nhưng…

Gần như đột ngột từ năm 2007, hàng loạt những chỉ tiêu phải dày công lắm mới đạt được và tưởng như đã khá ổn định bị đổ vỡ. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh cả năm không đạt được. Tình trạng mất cân bằng về giới tính xuất hiện ngày càng rõ, cứ 100 em nữ thì có 110 em nam. Đáng lo ngại nhất là tình hình sinh con thứ 3 trở lại, cả nước có 16 tỉnh, thành phố có người sinh con thứ 3. Tình hình trên không những không được cải thiện mà 9 tháng năm 2008 còn trầm trọng hơn.

Số sinh 864.000 trẻ , tăng 5% so với năm 2007, trong số này có 93.000 trẻ thuộc diện con thứ 3, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nam/nữ mất cân đối hơn, cứ 100 em nữ có 112 em nam. Với đà này, chỉ 30 năm nữa, hàng chục nghìn nam thanh niên nước ta sẽ không lấy được vợ. Rất đáng lo ngại là nhiều trường hợp sinh con thứ 3 rơi vào các đối tượng là những người có đời sống khá giả, dân cư thành thị, trí thức, cán bộ, công nhân, viên chức, có cả một số đảng viên. Những người này hoàn toàn ý thức được việc sinh con thứ 3 có tác động không tốt như thế nào với mình và với toàn xã hội. Các trường hợp triệt sản, sử dụng các biện pháp tránh thai hai năm qua đều giảm. Tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai năm nay chỉ còn bằng 67% so với mười năm trước.

Những diễn biến xấu về công tác dân số gần đây khiến khả năng giảm tỷ lệ sinh còn 1,14% vào năm 2010 khó trở thành hiện thực. Thêm vào đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng nhanh, sức ép dân số sẽ phá vỡ nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội, nhất là những lĩnh vực liên quan đến phúc lợi cộng đồng như giáo dục, y tế, bảo hiểm, môi trường…
 
Câu hỏi được nhiều người nêu ra là vì sao có tình hình này? Có nhiều lý do đưa ra nhưng một lý do nhiều người cùng đồng tình là việc giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và toàn bộ hệ thống tổ chức ngành dọc của nó để đưa về Bộ Y tế trong khi việc chuẩn bị giải thể chưa được chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt.

Với việc giải thể cơ quan chuyên ngành này, nhiều cán bộ, nhiều kinh nghiệm và tư liệu bị xé lẻ, mất mát, nhận thức về kế hoạch hóa dân số của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng không còn được như trước. Cùng với việc xáo trộn về tổ chức, nhiều chính sách đã không còn phù hợp, nhiều cách làm chậm được đổi mới. Nếu tất cả những điều đó không được thay đổi, không lâu nữa, chúng ta sẽ đứng trước thảm họa về dân số với những hệ quả khôn lường.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.