.

Muộn còn hơn không

Giữa lúc bên ngoài, cả thế giới lo lắng về khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong nước thì mỗi tháng hơn 1.000 người chết vì tai nạn giao thông, buổi thảo luận về Luật An toàn sinh học trên hội trường Quốc hội có vẻ như ít quan trọng, nhưng thực ra, nó lại là vấn đề hàng đầu trong quá trình tăng trưởng, thậm chí quyết định tương lai của mỗi người và của cả dân tộc. Bởi thế, có thể nói thế này chăng, đến giờ mới xây dựng pháp luật về an toàn sinh học, đến giờ người Việt Nam còn thờ ơ với an toàn sinh học là đã muộn.

Nhưng muộn còn hơn không hành động vì tổng số loài động vật và thực vật trong thiên nhiên nước ta đang bị đe dọa ở những cấp độ khác nhau hiện là 857 loài, tăng 48 loài chỉ sau hơn 10 năm, trong đó số loài ở mức nguy cấp tăng gấp đôi, mức cực kỳ nguy cấp tăng gấp 8 và đã có thêm 6 loài hoàn toàn tuyệt chủng trong thiên nhiên.


Nguồn gien động vật, thực vật đang biến mất dần mòn trong thiên nhiên do nạn phá rừng, nạn phá hoại tài nguyên biển, làm ô nhiễm các nguồn nước, thu hẹp môi trường sống của chúng đã rất nghiêm trọng, cộng thêm vào đó là nạn săn bắt khốc liệt các loại động vật lấy các bộ phận cơ thể chúng làm thuốc, làm thực phẩm, làm đồ chơi, đồ dùng; nạn nuôi trong môi trường nhân tạo gấu lấy mật, hổ lấy xương thịt nấu cao; cá sấu, rắn lấy mật, thịt, da hoặc để phục vụ du lịch đang làm biến dạng gien, tập quán tự nhiên của khá nhiều loài.

Thói quen di thực, trồng, ăn các sản phẩm biến đổi gien, nhập các sinh vật lạ từ nước ngoài ngày càng đặt chúng ta trước nguy cơ sinh thái bị tàn phá. Hệ sinh thái Việt Nam đã từng đứng trước các thảm họa hoặc bị đe dọa nghiêm trọng bởi loài ốc bươu vàng, cá cảnh ăn thịt, sâu chim, hải ly, loài cây dương Nam Mỹ… và chưa có dấu hiệu những nguy cơ đó chấm dứt.
 
Nạn đánh bắt cá bằng chất nổ, bằng xung điện; sử dụng hóa chất, phân bón hóa học bừa bãi; nạn thải chất độc ra môi trường… đang hằng ngày, hằng giờ tàn phá tài nguyên sinh học, biến nước ta từ một một nước có nguồn gien giàu có của thế giới thành một quốc gia nghèo nàn, pha tạp về sinh học. Sự bùng nổ thông tin về môi trường bị bức hại trên khắp cả nước trong những ngày gần đây chứng tỏ lo lắng của xã hội đã đến mức nào sau hơn 20 năm lơ là bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gien bản địa.

Trước thực trạng hiện nay, một câu hỏi cần được giải đáp là vì sao tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học đã diễn ra hàng nhiều thập kỷ nay nhưng vẫn không được ngăn chặn có hiệu quả. Do thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong quá trình phát triển? Do thiếu hệ thống pháp luật đủ sức răn đe? Do tham nhũng? Những nguyên nhân đó đều có và khó có thể nói ai đó hoàn toàn vô can. Khủng hoảng tài chính có thể được khắc phục; tai nạn giao thông có thể được giải quyết nhưng một sinh vật tuyệt chủng khó có thể khôi phục, nó sẽ là tổn thất vĩnh viễn cho loài người. Cần chung sức bảo vệ đa dạng sinh học, đã muộn nhưng còn hơn để chậm nữa.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.