.

Nợ một lời giải thích

Trong bản tin ngày 5-11-2008, khi bàn về chất lượng giáo dục “một bước tiến, hai bước lùi” trong thời gian qua, VNN cho rằng “Bộ GD-ĐT còn nợ nhân dân một lời giải thích”...Năm 2008, “vị thế” về chất lượng giáo dục và chất lượng quản lý trường học của Việt Nam, theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là thứ 120/134 nước.

Còn nếu theo cách tính của UNESCO thì Việt Nam đứng thứ 79/129 quốc gia (TTCT, 9.11.2008). Điều đáng giật mình là 5 năm qua, giáo dục Việt Nam liên tục tụt hạng, còn ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục thì lại liên tục “thăng hạng” (?)!

Trước hết, giả sử cả WEF và UNESCO đều sai thì Bộ GD-ĐT không có quyền im lặng. Như thế là nợ đến hai lời giải thích. Điều tiếp theo là hầu như ai cũng biết chuyện trong mấy năm qua, Bộ GD-ĐT liên tục đưa ra các chương trình đao to, búa lớn như “Hai không”, “Bốn không”, “2 vạn TS”, “Đào tạo tín chỉ”... Hiệu quả ra sao?

Không thể nói đã giải quyết được căn bệnh thành tích một khi kết quả thi tốt nghiệp THPT lần hai vừa rồi xảy ra tình trạng tri thức đột biến tràn lan: Nhiều địa phương miền núi học giỏi đến bất ngờ, đến nỗi các thành phố, đất học ở đồng bằng phải chào thua. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản “lợi ích trăm năm” còn đáng bàn hơn nữa khi Hà Nội đứng đầu cả nước về số người mù chữ: 235.000 và TP. Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 90.000 người (!) (Bảo vệ Pháp luật, 1-11-2008).

Tại sao hai trung tâm văn hóa, hai thành phố lớn nhất nước mà lại mù chữ nhiều đến thế? Thử hỏi, trên thế giới này có thủ đô nước nào lại đứng đầu cả nước về chuyện mù chữ hay không? Chuyện ở trường đại học thì đúng là vô số chương hồi. Tình trạng đọc chép cho đến nay vẫn y nguyên, có nghĩa là một trong hai không vẫn bằng không.

Không có chế tài thích hợp, không thay những giáo viên “dạy” bằng cách đọc giáo trình thì làm sao có đổi thay? Cách đây mấy năm, chính một vị Thứ trưởng đã nói trước bàn dân thiên hạ rằng có đến 30% tiến sĩ (TS) không đạt yêu cầu. Câu hỏi dễ hơn cả trả lời là: Làm sao có thể có các thế hệ TS mới đủ chất lượng một khi một phần ba cỗ máy cái chuyên nghiệp “sản xuất” TS bị hư hỏng?...

Nếu bàn hết lẽ về những khiếm khuyết, ách tắc của nền giáo dục hiện nay thì có lẽ một tờ báo 24 trang vẫn là chưa đủ. Người dân rất mong mỏi rằng Bộ GD-ĐT phải chuyển động nhanh hơn, tốt hơn và hợp lý hơn. Cái gì sai, phải nhận một cách thẳng thắn để ngành giáo dục, Nhà nước, xã hội cùng nhau tháo gỡ. Sự bất cập và kém chất lượng, học chay, thi đối phó, học môn chính trị học sinh ngủ gật, ngáp dài... xảy ra khắp nơi, lẽ nào bộ chủ quản không biết?

Ngành giáo dục đang mắc nợ người dân nhiều lắm. Cái nợ lớn nhất là hàng chục năm qua các thế hệ trẻ nối tiếp nhau biến thành “chuột bạch” để thí nghiệm hết chương trình đào tạo này đến chương trình đào tạo khác. Liệu có thể có một chương trình đào tạo tiên tiến, khoa học, toàn cầu hóa được hay không? Câu trả lời là có:

Rất nhiều mô hình giáo dục tiên tiến ở nhiều nước, đã đóng góp quyết định đối với sự nghiệp nước mạnh, dân giàu. Tại sao người ta thành công mà mình cứ mãi loay hoay? Tại sao thế kỷ XXI qua hết một thập niên rồi mà ta vẫn còn đủng đỉnh “mượn” thêm hai thập niên nữa để cải cách (đến năm 2025)? Cứ “mượn” hoài như thế, bao giờ mới trả hết nợ cho dân tộc, giống nòi?
                                                                       
KHÁNH CHI 

;
.
.
.
.
.