.

Quay cóp, bệnh của học trò

Phát biểu trước Quốc hội, anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đưa ra một con số thống kê làm cho dư luận phải bàng hoàng: 8% học sinh tiểu học quay cóp, THCS là 53% và THPT là 60%. Tương ứng với ba cấp học trên, tình trạng học sinh thường xuyên nói dối là 22, 50 và 64% (TN, 30-10-2008)!

Đó là những số liệu hoàn toàn khách quan do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Việt Nam công bố. Số liệu trên có rất nhiều những cảnh báo nguy nan. Chỉ trừ cấp tiểu học, học sinh còn ít nhiều “màu trắng” - hoặc giả chưa có gì để quay cóp hoặc chưa “rèn luyện” được “kỹ năng” nói dối - học sinh ở hai cấp học còn lại đã bị bôi đen hóa hơn một nửa tâm hồn, tính cách (56,5% quay cóp và 57% nói dối). Đó là một thảm họa.

Làm thế nào để luận giải rằng việc quay cóp mặc nhiên là chuyện thường ngày, lại tương đồng với chuyện Bộ GD-ĐT đang nói và thông báo rất nhiều về việc “đã” nâng cao chất lượng giáo dục? Không thể nói giáo dục đã chặn được căn bệnh thành tích, học lực ảo một khi học sinh quay cóp nhiều như thế. Mặt khác, mọi bài học giáo dục công dân đã bị vô hiệu hóa ít nhất là 50% bởi các công dân của thế kỷ XXI đang tha hồ làm mưa làm gió bởi sự quay cóp một cách... bình thường! Sự học, một khi trông chờ vào quay cóp thì không còn gì là học nữa. Không thể biện minh như tên một bộ phim Mỹ là có “Lời nói dối chân thật” (The true lies).

Đồng ý rằng trong cuộc sống có không ít lần buộc phải nói dối vì một mục đích tốt đẹp nào đấy như báo tin buồn, giảm bớt nỗi ân hận từ sai lầm của người khác, nói với một cô gái có ngoại hình kém là cô ta cũng dễ thương... Tuy nhiên, thống kê ở các cấp độ “học trò” rất ít những trường hợp tế nhị như thế. Vả lại, lũ trẻ làm gì đạt đến trình độ siêu như người lớn để có thể nói dối như thật?

Từ những biện giải trên đây, cần phải nhận thức đầy đủ về nguy cơ chúng ta đang tạo nên cả vài thế hệ “thích” quay cóp và nói dối. Đây là cái ý thích sai lầm nhất trong mọi ý thức trên đời. Nó triệt tiêu cảm giác biết xấu hổ, nó thờ ơ trước sự xúc phạm và nó coi thường tất cả những giá trị chuẩn mực làm nên cái cốt cách của văn hóa, nhân cách. Tệ hại hơn nữa, sự “chai lỳ hóa”, lẫn lộn hóa các cảm xúc đúng – sai sẽ bào mòn con người đến độ vô cảm và tha hóa con người đó dần dần đến mức không thể cứu vãn nổi. Làm sao có thể yên tâm khi các thế hệ sau này, chủ nhân của đất nước ngày nay lại có đến hơn một nửa những cá thể thiếu nhân cách đến như thế?

Chuyện quay cóp lâu nay vẫn được coi là “chuyện nhỏ” nhưng thực ra không nhỏ một chút nào. Napoléon Bonaparte đã từng nói rằng, từ sự cao thượng đến lố bịch chỉ có một bước. Học theo ông, chúng ta có lý khi nói rằng, từ sự quay cóp và nói dối hôm nay đến chuyện dối trá (tham nhũng, vô cảm, tha hóa...) chỉ có nửa bước mà thôi!

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.