.

Sau một cuộc "tổng diễn tập"

Trận mưa 24 năm mới xảy ra một lần bất ngờ trút xuống Hà Nội. Suốt 4 ngày ròng rã, ước tính khoảng 20 triệu m3 nước đã tràn ngập sông, suối, cống rãnh, hồ, tràn vào các khu phố, các tuyến giao thông bị nhấn chìm trong biển nước.

Nhiều tuyến đê bị vỡ, hàng chục vạn héc ta cây trồng, hàng nghìn héc ta hồ ao nuôi thủy sản, gần 4 vạn ngôi nhà, nhiều trạm biến thế, hàng nghìn ô-tô, xe máy bị ngập nước, sơ bộ thiệt hại trên dưới 3.000 tỷ đồng. Người chết, gia súc chết, giao thông nghẽn tắc kéo dài, điện bị cắt, lương thực thiếu, giá cả hàng hóa tăng vọt, trường học đóng cửa, đời sống người dân ngay ở thủ đô bị đảo lộn nghiêm trọng. Những thiệt hại về vật chất, những bức súc về tinh thần trong mưa ngập đã được mô tả nhiều và chắc còn nhiều nữa.
 
Ở đây chỉ bàn về một vài khía cạnh còn ít được nhắc đến, đó là hàng loạt những yếu kém, lạc hậu và cả vô trách nhiệm nữa của thành phố đã được phơi bày ra trong trận mưa ngập có thể coi là một cuộc “tổng diễn tập” này, chỉ có điều đó là những tình huống thật, phải xử lý thật, không phải là những cuộc tổng diễn tập giả vờ để lấy thành tích báo cáo cấp trên như đôi khi vẫn thấy.

Thứ nhất, về quy hoạch đô thị: Mưa một trận, thành phố xuất hiện hàng trăm điểm úng ngập. Người chết vì tụt xuống hố ga, vì sa chân xuống mương bên cạnh đường, bị điện giật… ngay trong nội đô. Xe ùn tắc, chết máy hàng ngàn chiếc. Cá bơi trên đường nhựa, câu và cất vó trên đường nhựa, bè mảng chở người, chở xe thu tiền ngay trên các con lộ được coi là đẹp nhất thủ đô. Không đếm nổi số xe ô-tô, xe máy để dưới các tầng hầm khu chung cư cao tầng được coi là thiết kế hoàn hảo nhất bị ngập trong nước bùn.
 
Nhiều đoạn đê năm nào cũng đổ tiền tỷ để gia cố, bồi trúc bị vỡ. Tất cả những tai họa trên đã xảy ra khi thành phố vừa chi gần 200 triệu USD để hoàn thành giai đoạn 1 và vừa khởi công giai đoạn tiếp theo với tổng giá trị 300 triệu USD cho một dự án thoát nước, chưa kể khoản chi thường xuyên mỗi năm khoảng 6 triệu USD nữa cho mục tiêu thoát nước này. Đáng thất vọng là trong khi người dân đang khốn khổ vì nước ngập thì một quan chức trong ngành quản lý đô thị của thành phố đã trả lời báo chí rằng năng lực thoát nước của thành phố hiện mới chỉ đáp ứng được với các trận mưa khoảng 172 mm và đến năm 2011, nghĩa là sau khi dự án thoát nước nửa tỷ USD hoàn thành, thành phố vẫn ngập nặng, nếu mưa như mấy ngày vừa qua (lượng mưa trung bình trên 500 mm/ngày).

Thứ hai, về quản lý đô thị. Chỉ khi nước tràn mặt phố, người ta mới nhận ra lâu nay, chúng ta đang chung sống với cơ sở hạ tầng đô thị rất chắp vá, tạm bợ, thiếu thốn. Đường phố thiếu cọc tiêu, biển báo, điện chiếu sáng. Hố ga thoát nước bị mất cắp, hè đường dày đặc những cái bẫy nguy hiểm. Trạm cao áp toàn miền bị ngập dưới hàng mét nước; cột đổ, dây điện đứt hở gây rò điện chết người. Lương thực, thuốc men dự trữ, phương tiện phòng dịch thiếu thốn. Giá cả lương thực, thực phẩm, than, dầu đốt tăng vọt. Ai phải chịu trách nhiệm về những thiếu thốn, lạc hậu này

Thứ ba, về an sinh xã hội: Vào những lúc mưa lũ, ngập úng, tính mạng nhiều người bị đe dọa nhưng trên địa bàn thủ đô, hình như vắng bóng những thanh niên, sinh viên, học sinh tình nguyện giúp dân trong nhà và ngoài đường. Mưa to, nước ngập đường, xe cộ ùn tắc nhưng bộ đội, công an, công chức giúp dân rất vắng vẻ, chỉ đông những người làm “dịch vụ” lau rửa ô-tô, xe máy, chở người qua chỗ ngập với giá chặt chém không thương xót.

Nhân mưa lụt, nạn trộm cắp, trấn lột cũng tăng lên. Người ta thấy một hình ảnh phổ biến là đứng nhìn đồng loại của mình vật lộn trong mưa ngập với thái độ dửng dưng, cam chịu. Đây cũng là một đợt tổng duyệt để ta hiểu rõ hơn về tình người, về đạo lý, về sức mạnh của đoàn thể, chính quyền cơ sở chăng?

Trên đây mới chỉ là 3 trong số rất nhiều điều, nhất là khi Hà Nội đang đưa ra cho dân bàn về dự án “Thành phố bên sông Hồng” và cả “Quy hoạch tổng thể thủ đô Hà Nội đến năm 2050” với một thủ đô mới mở rộng và sắp nghìn năm tuổi.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.