Báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội hiện đại. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, V. Lênin đã khẳng định rằng báo chí vừa là người tổ chức tập thể, người cổ động tập thể và cũng là người lãnh đạo tập thể. Nói một cách khác, bên cạnh chức năng thông tin, báo chí còn có chức năng định hướng dư luận, dự báo (cảnh báo) tương lai. Do đó chỉ cần vô tình hay cố ý nhầm lẫn, tác hại không phải là một mà là sai cả vạn dặm.
Chỉ cần nói sai về chuyện trái bưởi gây bệnh ung thư là hàng ngàn người dân trồng bưởi điêu đứng. Thổi phồng chức năng của một loại thuốc tân dược hay nam dược nào đó là khiến cho nhiều người tiền mất, tật mang... Điều lạ là ở nước ta, những sai phạm như thế không thấy xin lỗi, không biết cái “tội ác” vô hình mà do kém cỏi, ngộ nhận, chủ quan và thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra. Mới đây nhất là chuyện báo Đất Việt nói (không đúng sự thật) về Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng. Sự “nhầm lẫn” này sai... từ mọi hướng.
Thứ nhất, pháo hoa hay festival, thi hoa hậu Hoàn vũ là những giá trị không thể chỉ tính bằng tiền. Quảng cáo cho một thương hiệu, duy trì sức sống cho thương hiệu đó đòi hỏi phải có nhiều cách tiếp cận. Đó là cách người Trung Hoa bỏ ra cả triệu USD cho lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vừa rồi.
Thậm chí Coca - Cola chấp nhận lỗ cả 5 năm đầu tiên để giành được một chỗ đứng khả dĩ trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Nói như thế để thấy cái “được” nó còn bao gồm cả dạng tiềm ẩn, lâu dài mà không phải ngày một ngày hai là có được.
Thứ hai, không thể kêu gọi nhà tài trợ cho pháo hoa phải bớt tiền để dành cho... xóa đói, giảm nghèo! Kinh doanh và tình cảm là hai lĩnh vực khác nhau nhiều lắm. Lẫn lộn giữa hai cái đó là căn bệnh của kinh tế thị trường nửa mùa. Từ thiện là một chuyện, lợi ích kinh tế khi tài trợ cho một hoạt động quảng bá là hoàn toàn khác.
Thứ ba, một khi Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa có nghĩa là đã cân nhắc đủ mọi đường ích nước, lợi dân. Mặt khác, 50.000 du khách đến Đà Nẵng trong dịp lễ hội pháo hoa vừa rồi nhưng lại bị đưa tin giảm thành 3.000 người là cớ làm sao? Cách làm tắc trách như thế thật khó chấp nhận. Bình luận về chuyện pháo hoa của Đà Nẵng, báo Thanh Niên trong một số gần đây, trong mục Chào buổi sáng đã có bài phân tích thật xác đáng. Bài báo hướng đến cách hiểu đa chiều và cách tiếp cận nhiều chiều phải được coi là nguyên tắc “đong đếm” các giá trị vô hình trong một thời đại kết quả ảo không ít khi quan trọng hơn cả thật mà thị trường chứng khoán là một minh chứng điển hình.
Câu chữ nào cũng có những nét thẳng, nét cong. Văn chương và hiểu biết không phải là vạch mực của thợ cưa. Sai sót và lầm lẫn âu cũng là bạn đường “thủy chung” của nghề viết. Vấn đề là ở chỗ, đối với những sự nhạy cảm có thể gây ra hậu họa khôn lường thì sự cẩn trọng phải càng khắt khe, càng tốt. Ngày xưa, bút sa thì gà chết. Ngày nay, bút sai là ngài (người) hại nhãn tiền.
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Tác hại của thông tin “nhầm”
Thứ Tư, 12/11/2008, 08:02 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.