Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), từ đầu năm đến hết tháng 9, số trẻ em là con thứ ba trở lên là 93.000, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007. Ước tính đến cuối năm sẽ có trên 142.000 trẻ là con thứ 3 trở lên.
Nhiều tỉnh tỷ lệ sinh tăng như Kiên Giang 66%, Trà Vinh 48%, Điện Biên 43%, Cà Mau 21% và TP. Hồ Chí Minh 16%... Tại TP Đà Nẵng, tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn liên tục tăng: năm 2006 là 9,60%, năm 2007 là 9,02% và năm 2008 dự kiến 9,23%, cao hơn năm 2007. Đi kèm với tỷ lệ sinh con thứ 3, một thực tế cũng rất đáng lo ngại là sự mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng theo xu hướng thừa nam, thiếu nữ. Vào năm 1979, cứ 105 bé trai thì có 100 bé gái; hiện nay, tỷ lệ này trung bình là 112 bé trai/100 bé gái. Có những khu vực tỷ lệ này chênh đến từ 115-128 bé trai/100 bé gái.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Qua đánh giá của ngành chức năng, do năm 2008 là năm đầu tiên công tác DS-KHHGĐ được bàn giao cho ngành Y tế quản lý, một số cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này có biểu hiện hoạt động “cầm chừng”; một số địa phương điều động cán bộ, cơ sở vật chất, dự toán ngân sách... phục vụ công tác DS-KHHGĐ cho cơ quan khác nên gây ra không ít khó khăn cho ngành này khi thực thi nhiệm vụ.
Song, nguyên nhân căn bản được nhận định là do Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Nhiều người, kể cả đảng viên, cố tình nhấn mạnh về “quyền sinh con”, mà không chú ý đến nghĩa vụ “mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con”. Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp được đặt ra một cách cấp bách là dự thảo sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số. Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 18-11 vừa rồi, lãnh đạo Tổng cục Dân số cho biết, dự thảo trên sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12.
Theo đó, song song với đề nghị chỉnh sửa Pháp lệnh, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết các cặp vợ chồng, cá nhân được sinh trên 2 con. Những trường hợp thuộc diện này gồm: Vợ hoặc chồng là dân tộc thiểu số, dân tộc đó có số dân dưới 10.000 người theo số liệu công bố chính thức của Nhà nước; những người đã có hai con nhưng cả hai con hoặc một trong hai con bị dị tật do tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh có một con còn sống.
Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba hoặc hơn. Cặp vợ chồng có một con, lần thứ hai sinh đôi hoặc hơn. Ngoài ra, những cặp vợ chồng tái hôn sinh thêm một con chung nếu cả hai hoặc một trong hai người đã có con riêng. Không áp dụng cho trường hợp tái hôn của hai người đã từng sinh hai con chung và cả hai con đang sống. Những phụ nữ không kết hôn sinh đôi hoặc nhiều hơn ngay từ lần sinh thứ nhất.
Trước đó, vào ngày 13-11, tại Hội nghị giao ban DS-KHHGĐ cũng đã xác định, trong năm 2009 tới đây, tổng chi ngân sách cho các hoạt động dân số cả nước vào khoảng 710 tỷ đồng với mục đích duy trì mức giảm sinh thấp, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh Quốc hội giao là 0,2 phần ngàn, thực hiện có hiệu quả mô hình nâng cao chất lượng dân số; can thiệp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Ai cũng biết, hệ lụy bùng nổ dân số cũng như mất cân bằng giới tính sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu từ bây giờ chúng ta thờ ơ hoặc không đề ra được những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa. Đó là tình trạng thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo đói gia tăng, tình trạng mua bán phụ nữ, các tệ nạn xã hội... sẽ nảy sinh và ảnh hưởng gay gắt đến đời sống xã hội sau khoảng 10-20 năm nữa.
Cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp quyết liệt mà thể hiện rõ nhất là đòi hỏi cấp bách phải sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số, bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy định “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con”. Có như vậy, chúng ta mới mong kiềm chế được tỷ lệ gia tăng dân số; cân bằng giới tính thai nhi, từ đó góp phần làm cho đời sống kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
HẢI HÀ
.
.
Thay đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số - Việc cấp bách!
Thứ Tư, 26/11/2008, 09:36 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.