.

Trách nhiệm người thầy

Bổn phận sống là trách nhiệm của mọi con người. Nhưng đối với nghề giáo viên, các thầy cô giáo luôn phải có rất nhiều bổn phận - nhiều khi chẳng hề giống nhau. Ở mỗi cấp học, bổn phận và trách nhiệm được ràng buộc bởi các tiêu chí đặc thù và, nếu không hiểu rõ tính đặc thù và tính phổ quát của nghề giáo, thầy cô giáo (gọi chung là “người thầy”) không thể hoàn thành nghĩa vụ của nghề nghiệp.

Ở cấp học “mở đầu” cuộc đời được giáo dục và tự giáo dục, tức các lớp mầm non, người thầy nhất thiết phải là người mẹ hiền. Những đứa trẻ từ khi ra đời chỉ biết có mẹ, có cha; giờ đây đến với trường lớp, thầy cô giáo; trong mắt chúng “cô giáo như mẹ hiền” phải là tiêu chuẩn số một. Tấm lòng yêu thương con trẻ là cánh cửa rộng mở nhận thức về nhân cách và hiểu biết của trẻ thơ. Khó có thể giáo dục trẻ nên người bằng sự áp đặt, xa lạ; bằng những ánh mắt vô cảm, hững hờ. Ngược lại, người thầy sẽ đem đến cho lũ trẻ một người mẹ, một người cha nữa. Sự phong phú về tâm hồn, lòng biết ơn từ sự đồng cảm vô thức là nguyên tắc để đạt chất lượng sống tốt nhất.

Cấp tiểu học và THCS thực ra không hề có sự ngăn cách về nhận thức. Nghĩa vụ và bổn phận của người thầy được lũ trẻ hiểu và đón nhận ở tầm mức cao hơn. Người thầy – trong cái nghĩa cụ thể và khái quát của hiểu biết, đã đem đến cho học sinh vô khối những điều mới lạ. Cái “sự lạ” này là nguồn cội để học sinh thần tượng hóa thầy cô giáo “của mình”. Không phải ngẫu nhiên mà học sinh ở các cấp học này thường nghe thầy cô giáo hơn là cha mẹ đẻ ra mình.

Sự “lột xác” về tâm lý và hiểu biết đòi hỏi rất nhiều cách nghĩ, cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà học sinh dễ bị ngợp trước “biển trời” kiến thức mà các thầy cô mang đến. Giờ học sẽ tự nhiên đến với mỗi đứa trẻ nếu người thầy biết cách tạo nên sự hứng thú và sự “không sợ hãi” bẩm sinh. Nên nhớ rằng không chỉ người lớn mới sợ cái mới – luôn bất thường, khó dung hòa mà trẻ con càng sợ hơn nữa, chỉ có điều chúng không dám nói ra mà chỉ “phản kháng” bằng sự chịu đựng âm thầm, nếu người thầy không “đọc” được thông điệp đó của học trò, giáo dục đi vào lối cụt.

THPT mà ngày trước gọi là cấp III, là giai đoạn của sự nổi loạn. Người thầy không chỉ có dạy mà còn phải biết lắng nghe, biết thông cảm với “các số phận” đang vội vã hình thành. Học sinh đã bắt đầu biết cách để tự học, tự lo; do đó, người thầy phải là cầu nối cho những sự thăng hoa; đồng thời là cái “phanh” cần thiết để ngăn ngừa những sự quá đà. Đây là thời điểm để thầy và trò quan hệ với nhau với tư cách “là những người lớn”. Nếu người thầy không hiểu điều đó, quan hệ thầy trò trong các buổi học luôn có một bức tường vô hình.

Trường ĐH là nơi đón tiếp, bồi dưỡng “các công dân”. Về mặt nguyên tắc, SV chỉ học kiến thức và kỹ năng sống (một nghề cụ thể). Khả năng tự đứng vững (hay muốn thể hiện cái tôi) luôn đối nghịch với mọi sự áp đặt. Sai lầm lớn nhất của nền giáo dục ĐH nước ta hiện nay là kiến thức áp đặt chiếm đến 70-80%. Chẳng hạn, giờ thể dục lẽ ra phải là vui cười thoải mái, nhưng học sinh luôn phải trói buộc vào những điều họ không thích.
 
Giờ chính trị rất cần cho nhóm ngành này nhưng lại không phù hợp với nhóm ngành đào tạo khác nếu cùng một liều lượng như nhau. Tại sao chúng ta không chịu hiểu rằng mỗi loại bệnh, mỗi tạng người cần phải có các cấp độ chữa bệnh khác nhau? Toán, lý, hóa, tin học mà học môn chính trị giống như văn, sử, luật, triết thì quả là bất cập. SV không muốn sự áp đặt công khai, rõ ràng. Chúng ta luôn làm ngược lại.

Dù sự khác nhau có thể là như thế nhưng trường học nào hay cấp học nào cũng có một điểm chung. Người thầy phải giỏi, phải tâm huyết, hết mình, đó là nguyên tắc. Dù là đứa trẻ lớp mầm non hay SV thì sự không thích người thầy là giống nhau: Người thầy ở lớp mầm non không có được sự hiểu biết về tâm lý, sự đồng cảm của mẹ và cha (kiến thức đặc thù) và người thầy ở trường ĐH không có được kiến thức như SV mong muốn (sự áp đặt về chương trình, cách dạy; sự lạc hậu về tri thức hiện đại). Nói như thế để biết, sự khắt khe của lũ trẻ - cuộc đời dẫu có thế nào đi nữa, cũng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của người thầy.

Con đường chủ yếu để di truyền về văn hóa là trách nhiệm của người thầy. Đó là con đường khó nhất, dài nhất, phức tạp nhất trong mọi lối đi của cuộc đời. Không phải tự nhiên mà người đời tôn vinh nghề giáo. Lẽ giản đơn là vì đó là “nghề” mà trách nhiệm không hề thuộc về một cá nhân nào. “Sản phẩm” trăm năm ai biết đó là “của” ai? Phải chăng vì mỗi người thầy đều nghĩ rằng mình thuộc phận chèo đò ngang, lỗi của mình chỉ một phần nên nền giáo dục nước nhà mới hỏng và sai nhiều thế? Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau nhận thức một cách rõ ràng rằng bất cứ người thầy nào thiếu trách nhiệm, đều đã gây nên lỗi lầm, làm cho xã hội thêm khắc khoải, nhọc nhằn...
                  
HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.