Trả lời báo chí về vấn đề dân chủ trong nghiên cứu khoa học, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng khẳng định rằng “bất cứ đảng cầm quyền nào cũng cần sử dụng những tư duy vượt trước của trí thức để thúc đẩy xã hội và cộng đồng đi lên. Nếu trí thức không có chính kiến riêng, không có tư duy độc lập, sáng tạo, vượt trước, tất nhiên là theo nghĩa cái đúng, thì không hiểu xã hội cần ở họ cái gì”.
Có thể nói quan điểm rõ ràng trên đây của Đảng ta về việc duy trì và không ngừng tăng cường tính dân chủ trong hoạt động sáng tạo của trí thức đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc hoặc sự hiểu sai lâu nay về mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và đội ngũ trí thức XHCN.
Trước hết, trí thức của bất kỳ nước nào cũng là lực lượng tiên phong trong khám phá, phát hiện. Đảng cầm quyền (trong đảng có đa số trí thức), sẽ chọn lọc, tổng hợp và tinh kết hóa những giá trị thiết thực nhất để hoạch định đường lối, chính sách của mình. Theo nguyên tắc này, sự tương hợp giữa lực lượng chính trị cầm quyền và đội ngũ trí thức sẽ đem đến thành công chắc chắn.
Tuy nhiên, giữa chính trị và trí thức không phải lúc nào cũng đồng nhất. Các tinh hoa chính trị (élite) và tinh hoa văn hóa (trí thức) không hiếm khi bất đồng về sự “vượt trước” của tư duy. Chính trị luôn luôn cần đến sự vượt trước đó nhưng đồng thời, một cách tự nhiên, lo ngại về sự “xé rào” hay quá giới hạn cần thiết. Dung hòa được điều này là điểm nhấn của thành công.
Con đường chung của hai xu hướng này sẽ gặp nhau nếu nhà chính trị cần đến sự thay đổi và cho rằng thay đổi đó là tất yếu, bởi nó phụng sự cho sự nghiệp chung của toàn thể dân tộc. Ngược lại, giới trí thức cần phải biết tự điều chỉnh của các cách tư duy tạm gọi là “lãng mạn hóa thực tiễn xã hội”; sao cho, dung hòa sự cấp tiến trong chừng mực mà xã hội (chính trị) có thể chấp nhận ở mức độ duy trì sự ổn định đương nhiên.
Trong khi đó, “xung đột” giữa tư duy vượt trước, độc lập - tức là toàn bộ giá trị của sáng tạo đôi khi tạo ra sự hiểu lầm, thậm chí là bất đồng thật sự. Sáng tạo của các nhà khoa học xã hội (các tư duy cá nhân) nhiều khi không thể tương hợp với bối cảnh chính trị - nhất là trong một thế giới đa chiều và quá phức tạp ngày nay. Chẳng hạn, nhà trí thức lỗi lạc không thể nhìn đủ, chính xác sự thay đổi mà mình đề xuất sẽ tác động đến việc điều chỉnh các quan hệ đối nội và đối ngoại ở tầm mức nào; cũng như hậu quả xã hội mà các thay đổi đó diễn ra quá nhanh.
Cũng cần phải nhận thức rõ là trí thức, nếu không còn tư duy vượt trước, không lội ngược dòng, không bị phản bình thì không còn là trí thức nữa. Ở đây thuộc tính “đường hai chiều” vẫn giữ nguyên hiện trạng: Sự đụng độ là không tránh khỏi nhưng nếu nhà trí thức không đấu tranh, bảo vệ cho quan điểm của mình mà buông xuôi, thoái chí thì mối nguy của một xã hội trì trệ là không thể tránh khỏi.
Chưa bao giờ đất nước cần đến sự đóng góp của giới trí thức như bây giờ. Thời đại của nền kinh tế tri thức không dung thứ cách nhìn thiển cận, xuôi dòng. Một khi giới trí thức hiểu rõ việc Đảng ta nhìn nhận chính xác và đầy đủ về tính vượt truớc của tư duy độc lập của trí thức, thì chắc chắn sự sáng tạo sẽ thăng hoa và hiệu quả.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Tư duy độc lập và tư duy vượt trước
Thứ Sáu, 28/11/2008, 08:06 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.