.

Từ Hà Nội ngập lụt, nghĩ về đô thị

Hà Nội vừa trải qua một trận đại hồng thủy. Thiệt hại chưa tổng kết được, nhưng chắc chắn là vô cùng to lớn. Về vật chất khó mấy rồi cũng lượng định được, nhưng những chấn thương về tinh thần, tâm lý dù không thể đo đếm được nhưng nhất định là cực kỳ nghiêm trọng.

Một câu hỏi được đặt ra, không chỉ với người Hà Nội mà là với đồng bào cả nước. Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và luôn được ưu tiên về nguồn lực vật chất và trí tuệ để xây dựng và phát triển sao lại rơi vào thảm cảnh khủng khiếp đến như vậy.

Và từ đó, dư luận:

- Không thể chấp nhận tình trạng quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước. Mấy chục năm nay, Hà Nội đã chi nhiều trăm triệu đô-la tại sao càng chống lại càng ngập nặng hơn và đến nay thì không còn biết nói thế nào về sự tệ hại của hệ thống thoát nước ở Hà Nội.

- Không thể chấp nhận cách đối phó ứng xử của các cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng của Hà Nội trong tình trạng khẩn cấp vừa qua.Từ hai điều không thể chấp nhận trên, một câu hỏi lớn được đặt ra: Ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất to lớn đó? Xin dành câu trả lời cho công luận, nhất là cho nhân dân Hà Nội.

Song nguyên nhân sâu xa có lẽ là tại chúng ta hành xử với Hà Nội (và các đô thị khác) không như với một đô thị đích thực, chúng ta đem tất cả tư duy, kiến thức, thói quen hành xử với một làng quê để hành xử với Hà Nội.

Đô thị là một xã hội, một cộng đồng, một thực thể có những đặc thù của nó. Từ buổi bình minh của nhân loại, con người sống trong các hang động, các hốc cây cho đến lúc hình thành nên các điểm cư trú làng mạc, rồi xuất hiện các đô thị là một quá trình lâu dài.

Con người khi rời xa cuộc sống hái lượm, săn bắt; trồng trọt đã khá phổ biến, bắt đầu có các nghề thủ công (làng, phường) kèm theo việc buôn bán trao đổi mới có những nhân tố của đô thị. Đô thị không đơn giản là một nơi tụ cư số dân đông, mật độ cao. Đô thị xác nhận một trình độ sản xuất với sự thay đổi về phương thức cư trú và hướng tới chất lượng cuộc sống cao hơn. Đô thị hóa là một quá trình và là một bước đi tất yếu, có những quy luật của nó.

Ai (nơi nào?) nắm được quy luật và vận dụng tốt trong xây dựng quản lý đô thị thì có thể hạn chế, tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực của đô thị hóa như tội phạm và tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, sẽ có đô thị phát triển bền vững, cuộc sống hài hòa. Ngày nay thực tiễn phong phú của cuộc sống đã cho chúng ta biết tới nhiều dạng đô thị hóa.

Bốn thập kỷ trước, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến tranh hủy diệt, tận lực xúc dân vào thành phố, thực hiện tát nước để bắt cá. Nhiều thành phố ở miền Nam đột ngột phình to dân cư chen chúc. Đó là đô thị hóa cưỡng bức.

Bây giờ, nhiều nơi lập quy hoạch trong đó có nội dung đô thị hóa, và thường có chuyên một vùng đất nào đó ở ven thành lọt vào mắt xanh nhà lãnh đạo thì mọi thủ tục đúng pháp luật được triển khai nhanh thế là làng xã thành phường phố, người dân quê phút chốc thành thị dân. Đô thị hóa dạng này có thể gọi là đô thị hóa hành chính.

Một thị xã còn rất nhà quê có thể được xét hội đủ các tiêu thức một đô thị và được công nhận là đô thị. Một đô thị, cũng với cách làm trên, có thể được nâng cấp trong xếp hạng đô thị. Dù cải cách hành chính đang còn là một vấn nạn nhưng đô thị hóa hành chính và các thủ tục hành chính để công nhận hoặc xếp hạng một đô thị vẫn nhanh hơn quá trình đô thị hóa rất nhiều, và tất nhiên còn để lại nhiều việc phải làm.

Một quyết định hành chính có thể phút chốc biến một vùng quê, một đồng lúa thành một khu dân cư đô thị, nhưng để có hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn, điều có ý nghĩa sống còn với cuộc sống đô thị, để từ các anh chị hai lúa trở thành những thị dân có công ăn việc làm tương thích với đô thị, có nếp sống văn minh đô thị và nhất là để có những nhà lãnh đạo quản lý đô thị có tư duy và kiến thức, có bản lĩnh và tầm nhìn đủ để cầm nắm cuộc sống của hàng triệu người khi bình thường cũng như trong tình trạng khẩn cấp thì một quyết định hành chính chưa là cái gì cả.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.