Ngày 22-12 là ngày mà dân tộc Việt Nam không thể nào quên. Ngày ấy, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức ra đời, khai sinh Quân đội Nhân dân Việt Nam và khai sinh cả những “thước đo”, định nghĩa mới về sức mạnh, khả năng của ý chí con người...
Lịch sử loài người trong suốt 5.000 năm đã qua, phần lớn là lịch sử chiến tranh. Chiến tranh là nỗi đau tận cùng của mất mát, hy sinh; đỉnh cao của sự phi thường; đỉnh cao của gian khó, bền bỉ. Không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên đã viết nên những lời ca thần của những năm chống Mỹ, cứu nước: Cầm cành hoa đi giữa loài người/ Vui nào bằng em nhỉ/ Cầm ngọn súng lên đường diệt Mỹ/ Ta đi qua thời gian. Thời gian của nhân loại là vĩnh hằng. Nhưng thời gian của loài người trong thế kỷ XX – giai đoạn 1945-1975, được “đo” bằng tâm thức và sức mạnh Việt Nam. Chính những người lính của “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã viết nên huyền thoại ấy.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, sức của ta chỉ là “châu chấu đá xe”. Không ai tin những chiến sĩ Vệ Quốc quân non trẻ về kinh nghiệm, nghèo nàn về vũ khí, lại có thể chiến thắng một đế quốc có hàng trăm năm binh nghiệp dữ dằn. Những toan tính về số học của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng, trừ một điều: kẻ xâm lược không bao giờ tính toán nổi sức mạnh tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam nói chung, của QĐND Việt Nam nói riêng.
Chỉ bằng đôi chân trần, những người chiến sĩ của tinh thần “Vì nhân dân quên mình” có thể từ Lai Châu, băng xuống Trung Lào (cuối năm 1953); sau đó, tiến qua Tây Nguyên, xông lên Thượng Lào (đầu năm 1954); rồi hợp sức, đồng tâm làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ.
Chiến thắng lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở thung lũng Điện Biên mùa hè năm 1954 đã làm rúng động cả năm châu, rung chuyển cả địa cầu. Chính vì thế, các thế lực phản động quốc tế lo sợ “hiệu ứng domino” sẽ gây nên cơn địa chấn mới trong phong trào cách mạng thế giới. Một “con đê” của học thuyết “ngăn chặn” đã được thiết lập một cách vội vã và tàn bạo ở phía nam Vĩ tuyến 17 hòng đẩy lùi sức mạnh của “làn sóng đỏ” tràn đến.
Một lần nữa, lịch sử của thế kỷ XX lại “chọn” dân tộc Việt Nam, người lính Việt Nam phải đứng mũi chịu sào để cứu loài người thoát khỏi sự độc ác của các mưu toan quyền lực. Thời điểm mà những người lính công binh đầu tiên mở con “Đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại (5-1959) cũng là thời điểm mà sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ lên đến đỉnh cao của sự kiêu ngạo và ngang ngược: Chưa có quân đội của bất kỳ nước nào trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào đủ khả năng đánh bại nó (?).
“Đi! Ta đi giải phóng miền Nam khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược...” không chỉ là một câu hát mà còn hàm chứa sự lung linh của một chân lý giản dị đầy thuyết phục. Những người lính Việt Nam, cả già lẫn trẻ chỉ cần nói cùng nhau một chữ “đi” là đủ. Vậy đó, tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam xông ra chiến trường khốc liệt nhất của thời đại mà nhẹ nhõm, sáng ngời triết lý sống “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”.
Đó không hề là nhân cách đạo lý ngẫu nhiên mà là sự kế thừa, tinh phát của truyền thống từ lâu đời. 723 năm trước, các bậc tiên tổ của giống nòi ở Hội nghị Diên Hồng (1285) đã từng đồng thanh một chữ “Đánh!” hào sảng và khúc chiết. Đánh và Đi là cách trả lời ngắn nhất, rõ nhất đối với mọi kẻ xâm lược về tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam.
Nếu như Điện Biên Phủ là kỳ tích của một học thuyết quân sự mới, khắc họa nên chân dung người lính mới tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh thì cuộc kháng chiến dài nhất trong lịch sử dân tộc ta (1954-1975) đã dựng lên tượng đài của lòng kiêu hãnh, tự hào; lấp lánh và rực rỡ như lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” mãi lồng lộng tung bay trong ánh mắt của lòng người.
Những bài học từ thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều lắm. Nhưng bài học sâu sắc nhất, đáng trân trọng nhất là bài học về sự bền bỉ, quyết tâm của tinh thần hy sinh cao cả của “bộ đội Cụ Hồ” đã Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Đất nước thống nhất, những người lính Việt Nam tiếp tục vai trò bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kẻ thù bây giờ đa dạng, đủ loại - thậm chí có cả những kẻ địch vô hình. Thế hệ những người lính trẻ lại tiếp bước cha anh để vẹn nguyên truyền thống rực rỡ, hào hùng. Không thể quên được hình ảnh những người lính trong bão giật, lũ gầm dũng cảm cứu dân, che chở cho dân. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình là bổn phận, là danh dự của mọi chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
64 năm đã trôi qua kể từ ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời. Đất nước ta đang tiến nhanh và đang đến rất gần thời khắc vượt qua nỗi đau đói nghèo từ hàng ngàn năm trước. Trong dạt dào niềm vui to lớn ấy, xin tri ân các anh - Những Người Lính, đã hy sinh biết bao xương máu và tuổi trẻ của mình, hiến dâng công đầy, nghĩa nặng cho dân tộc để non sông Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nhân loại đang mong ước tạo lập nên một thời đại của hợp tác toàn cầu, phát triển, hòa bình và hữu nghị. Thế nhưng, chừng nào vẫn còn chủ nghĩa đế quốc; chừng nào vẫn còn những mưu toan quyền lực đen tối, sự cực đoan của bạo tàn và hủy diệt; thì chừng đó, tinh thần bất khuất và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn mãi mãi là biểu tượng ngời sáng của trái tim và lòng dũng cảm; của hiểu biết và sự trân trọng, của toàn thể loài người.
HÀ VĂN THỊNH