Xung quanh vấn đề giá xăng dầu, sáng 10-12, nhiều tờ báo cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giá dầu thô trên thế giới gần đây xê dịch trên dưới 40 USD/thùng được đánh giá là thấp nhất trong vòng 4 năm qua, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trong nước đang lãi từ 3.000 - 4.000 đồng/lít xăng.
Trước đó, vào đầu tháng 12, báo chí cũng đã công bố thông tin gây sốc: ở thời điểm giá xăng tại Việt Nam là 12.000 đồng/lít xăng A92 thì ở Mỹ chỉ gần 9.000 đồng. Do vậy, giá xăng ở Việt Nam vẫn đắt hơn… Mỹ 3.000 đồng/lít (!).
Và như thế “con khóc mẹ mới cho bú”, đến chiều qua 10-12, giá xăng dầu lại giảm thêm 1.000 đồng/lít. Theo mức giá mới này, giá xăng A92 - loại xăng phổ biến nhất trên thị trường hiện nay - giảm xuống mức 11.000 đồng/lít. Tương tự, xăng A95 giảm xuống còn 11.500 đồng/lít. Thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được tăng lên kịch trần 40%.
Điều này cũng có nghĩa, trước đó, theo cách tính toán được ví von là “xông xênh” nhất, giá xăng sau khi đã tính hết các khoản thuế, phí, hao hụt... cũng chỉ vào khoảng 8.000- 9.000 đồng/lít tùy loại, các DN đã lãi lớn với mức giá bán cũ 12.000 đồng/lít xăng A92 được diễn ra trong một thời gian khá dài. Và với mức giá hiện nay, kể cả việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 40%, DN vẫn… ấm.
Việc giá xăng giảm nhỏ giọt 500 đồng hay 1.000 đồng/lít, người tiêu dùng cũng mừng bởi bớt đi một phần gánh nặng trong chi tiêu hằng ngày, song có điều, khi giá xăng lên thì tất cả các mặt hàng khác đều đồng loạt tăng giá, đến khi giá dầu thô trên thế giới và giá xăng dầu trong nước xuống thì chẳng mấy mặt hàng chịu xuống giá. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng là thiệt đơn thiệt kép!
Việc chậm điều chỉnh giá xăng và giá xăng chưa phù hợp với mức chung của thị trường thế giới là do thiếu cơ chế kiểm soát thị trường. Trong lúc báo chí thẳng thừng với việc DN chưa hạ giá xăng tương ứng với giá dầu thô thế giới để được hưởng lợi lớn, người tiêu dùng ấm ức vì bị chịu thiệt, thì lãnh đạo các DN kinh doanh xăng dầu vẫn đủng đỉnh giải thích rằng mức giá đang áp dụng (ở bất cứ thời điểm nào) cũng đã “hợp lý rồi, DN hiện đang tìm mọi cách để chia sẻ với người tiêu dùng và góp phần chống lạm phát”(?). Nói mãi rồi người ta cũng chẳng biết ai đúng ai sai, vậy mà, ở cái nơi người ta tin nhất, đó là Tổ Giám sát liên Bộ Tài chính - Công thương lại chẳng thấy lên tiếng.
Lời giải thích rõ ràng, minh bạch của Tổ Giám sát về giá xăng để an lòng người tiêu dùng, nói rộng ra là để AN DÂN, nếu thật sự giá cả đã sòng phẳng, điều đó hoàn toàn có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu và quan trọng hơn là cho người tiêu dùng.
HẢI HÀ
.
.
Cần giải thích để an dân
Thứ Năm, 11/12/2008, 08:10 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.