Con người là một sản phẩm hoàn hảo của tạo hóa. Sự hoàn hảo ấy thể hiện ở tính toàn vẹn của cơ thể con người. Nếu như một bộ phận nào đó của cơ thể ấy có khiếm khuyết, tổn thương thì sẽ làm suy giảm, mất hiệu lực chức năng của bộ phận ấy, gây khó khăn ở các mức độ khác nhau cho con người, thậm chí có thể đẩy cả cuộc đời người đó vào những bị kịch tuyệt vọng.
Con người (từng cá thể) trở thành (là) người khuyết tật bởi nhiều lý do khác nhau, bẩm sinh (trong đó có nguyên nhân di truyền mà một vấn đề đang làm nhức nhối xã hội chúng ta là những di chứng do chất độc da cam đã truyền qua mấy thế hệ), các loại bệnh, tai nạn, chiến tranh, v.v...
Nhưng dù vì lý do gì thì những người khuyết tật đang hiện hữu vẫn là những con người như mọi người. Họ vẫn sống, tư duy và giao tiếp, họ có thể làm việc, cống hiến và hưởng thụ. Dù chỉ chiếm khoảng 10% dân số, những người khuyết tật là một phần máu thịt của gia đình, một bộ phận cơ hữu của xã hội, mà cụ thể là của một cộng đồng (một khu dân cư, một xóm làng, một lớp học, một xưởng thợ, một chuyến xe đò, v.v...).
Nhiều người khuyết tật là tấm gương tuyệt vời về nghị lực vô cùng to lớn, vượt lên số phận với những thành công vượt khỏi tầm suy nghĩ của chúng ta. Như mọi người bình thường, họ có quyền đòi hỏi được đối xử bình đẳng, hơn thế vì họ kém may mắn hơn những người bình thường, họ cần được giúp đỡ, tôn trọng, yêu thương.
Một xã hội văn minh phải là một xã hội luôn dành cho những người khuyết tật sự chăm sóc đặc biệt, được phục hồi chức năng, để hòa nhập với xã hội, phát huy những năng lực của mình, luôn cảm thấy mình như mọi người, có ích cho xã hội, nhờ đó cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn.
Một biểu hiện tối thiểu là ở các nơi công cộng luôn có chỗ, có phương tiện, có lối đi dành riêng cho những người khuyết tật và có người sẵn sàng hướng dẫn giúp họ. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nhà nước và toàn xã hội nhất định phải bảo đảm người khuyết tật ngày càng được đối xử và chăm sóc tốt hơn.
Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, người khuyết tật được chăm sóc và hỗ trợ bằng các giải pháp can thiệp (như phẫu thuật thay thế, chỉnh sửa các bộ phận bị tổn thương) và các công cụ, thiết bị phục hồi chức năng công nghệ cao (được chế tạo riêng cho từng người khuyết tật). Những giải pháp và phương tiện này rất có hiệu quả nhưng cũng rất tốn kém, không phải người khuyết tật nào cũng có thể tiếp cận được.
Công cụ, thiết bị phục hồi chức năng là rất cần thiết. Chúng ta phải làm thế nào để mọi người khuyết tật có thể có nguồn lực vật chất, có điều kiện được tiếp nhận, sử dụng những thành tựu của công nghệ cao. Đây hẳn là một mục tiêu lâu dài và không chỉ trông vào ngân sách mà phải bằng sự chung sức của gia đình và xã hội, các tổ chức nhân đạo từ thiện trong và ngoài nước.
Hai nhân tố góp phần rất quan trọng để giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, hòa nhập với xã hội, sống có ích và đầy hạnh phúc chính là sự hỗ trợ và động viên thường xuyên của xã hội, cộng đồng, gia đình và nghị lực vượt lên số phận của chính người khuyết tật.
Đã có nhiều ông bố, bà mẹ, ông nội, bà ngoại chịu biết bao khổ cực vất vả gần như một phần lớn cuộc đời là dành cho những đứa con, những người cháu khuyết tật bất hạnh, từ tìm thầy, tìm thuốc cho con, cho cháu, cõng cháu, chở cháu đi học, nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền cho cháu học vi tính, ngoại ngữ, học âm nhạc, học nghề, v.v...
Và với rất nhiều người, công của đã bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Đã có nhiều em nhiều năm liền cõng bạn khuyết tật đến trường, nhiều ni cô, nữ tu đã tận tình dạy bảo, chăm sóc các em câm điếc, bại não; nhiều tổ chức từ thiện lấy việc làm vơi đi nỗi đau, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng của những người khuyết tật làm tôn chỉ. Ngay ở Đà Nẵng, Hội Từ thiện đã tranh thủ được một tổ chức của bà con Việt kiều tặng xe lăn, xe lắc tay cho những người khuyết tật về vận động, với cam kết hễ người khuyết tật ở Đà Nẵng còn có yêu cầu phương tiện này thì họ sẽ cung cấp đầy đủ và mọi xe lăn, xe lắc tay hư hỏng, không sử dụng được họ bảo đảm sẽ thay thế.
Chính những nỗ lực đầy tinh thần nhân ái này đã chấm dứt cảnh đau lòng người khuyết tật phải lê lết bằng cả thân mình trên đường phố để mưu sinh, một cảnh tượng khiến những ai còn tình người đều thấy xốn xang, thấy những người lành lặn như mình có lỗi. Giờ đây, họ ngồi đàng hoàng trên xe, có mái che mưa nắng, nếu tay còn cử động thì họ có thể điều khiển xe đi bán vé số, nếu không thì người thân của họ có thể nhẹ nhàng đưa họ đến những nơi họ muốn.
Dù gia đình, cộng đồng và toàn xã hội có trách nhiệm rất cao và hết lòng yêu thương người khuyết tật, dù người khuyết tật có những công cụ, phương tiện tốt nhất thì điều quyết định cho số phận cuộc đời họ vẫn là chính nghị lực của họ.
Và lạ lùng thay ở quanh ta có rất nhiều người khuyết tật đã vượt lên số phận bằng một sức mạnh phi thường. Chỉ xin thêm vào những chuyện kỳ diệu mà các bạn đã biết chuyện một người mù đã được cử làm Bộ trưởng trong một chính phủ ở Anh, chuyện này thú vị ở chi tiết, Thượng và Hạ nghị viện Anh phải họp để bàn việc sửa đổi một đạo luật không cho chó vào tòa nhà Nghị viện sang trọng quyền quý vì ông Bộ trưởng đặc biệt này đi đâu cũng phải có một chú chó dẫn đường.
Nhân phẩm và công bằng cho tất cả chúng ta. Chủ đề của ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay - 2008, nhắc nhở chúng ta - những người lành lặn chiếm đến 90% nhân loại hãy yêu thương, tôn trọng những người khuyết tật, họ là những CON NGƯỜI như chúng ta, họ là anh em, là đồng bào, đồng loại của chúng ta.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Chăm sóc người khuyết tật
Thứ Sáu, 05/12/2008, 07:36 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.