.

Cơ hội trong suy thoái

Cơ hội rõ nhất có lẽ là giá cả mọi thứ hàng hóa dường như đang rẻ đi một cách bất ngờ. Đặc biệt, “giá cả đầu vào” các sản phẩm kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cao cũng có xu hướng giảm nhiều hơn trước, đây chính là “chi phí cơ hội” để các doanh nghiệp tính toán mở rộng tiềm lực đầu tư chiều sâu mà trong những điều kiện bình thường khó lòng có thể triển khai.

Để tận dụng tối đa các nguồn lực có lợi từ bên ngoài, giai đoạn này cần mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, tranh thủ hỗ trợ từ các tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam để đánh giá và lựa chọn đối tác, tăng cường đầu tư tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ và năng suất, góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh trên một số lĩnh vực chủ chốt.

Đề nghị ưu tiên trích một phần ngân khoản trong quỹ kích cầu chung để hỗ trợ vốn và lãi suất, miễn giảm thuế để các doanh nghiệp nhập thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ, đào tạo nâng cấp trình độ lực lượng lao động, đặc biệt ưu tiên cho những lĩnh vực phục vụ phát triển và cạnh tranh bền vững như: Công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu, cơ khí chế tạo, bảo vệ môi trường, nghiên cứu phát triển, y tế, giáo dục... Hệ thống ngân hàng cũng cần chủ động vào cuộc, cân đối đủ vốn tín dụng, sớm triển khai giải pháp “Bù lãi suất 4%” từ nguồn kích cầu mới vừa được Chính phủ thông qua, cùng với doanh nghiệp triển khai những dự án khả thi, tạo ra sức bật mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiến hành tái cơ cấu năng lực tài chính, đi đôi với sắp xếp lại mô hình hoạt động của các doanh nghiệp và ngành kinh tế cũng là một nội dung quan trọng của quá trình điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm thích nghi với thời suy thoái toàn cầu. Cơ hội cần tranh thủ lúc này là “giá vốn” đang có xu hướng giảm nhanh, đặc biệt là giá vốn các loại ngoại tệ mạnh như USD, EURO, YEN...

  Do đó cần có kế hoạch đàm phán  với các đối tác cung cấp vốn hoặc tài trợ thương mại để cơ cấu lại danh mục đầu tư một cách hợp lý, giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí duy trì tồn kho, chi phí lưu thông, lãi vay... Việc mạnh dạn cắt bỏ các bộ phận không hiệu quả, sinh lời kém hoặc gây đội chi phí cũng cần được triển khai một cách quyết liệt nhằm cải tổ toàn diện của doanh nghiệp. Chủ động xâm nhập vào những lĩnh vực mới đang phát triển như dịch vụ mua bán nợ, mua bán công ty nhằm tạo lối thoát cho tiến trình tối ưu hóa hoạt động kinh doanh theo hướng lành mạnh hơn.
 
Mở rộng hợp tác, liên kết, sáp nhập cũng là một phương thức đặc biệt có lợi để đối phó với khủng hoảng, qua đó giúp các doanh nghiệp, các ngành kinh tế có những lợi thế tương tự tận dụng được thế mạnh lẫn nhau, hỗ trợ về thị trường, giảm chi phí, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Tất nhiên để làm được điều này cần phải vượt qua những trở ngại về tâm lý cục bộ, tiểu nông, đặt nền tảng hợp tác trên cơ sở tin cậy, bình đẳng về kinh tế và có tầm nhìn dài hạn về  tương lai.

Sức mạnh cơ bản nhất của mọi doanh nghiệp và tổ chức suy cho cùng chính là sức mạnh về nhân lực. Trong thực tế, một loạt doanh nghiệp đang phải đối đầu với làn sóng đình công, giãn công, mất việc, giảm lương và thu nhập... gây ảnh hưởng xấu đến công ăn việc làm của người lao động cũng như thực hiện các cam kết với bạn hàng.
 
Ổn định nhân tâm, duy trì hoạt động, gìn giữ nhân tài trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái đã trở thành vấn đề đau đầu nhất của các nhà quản lý hiện nay. Xử lý thành công những bất lợi về nhân sự lúc này chính là cơ hội để khẳng định uy tín và tài năng của người lãnh đạo. Làm sao để “truyền lửa” cho tập thể nhân viên dưới quyền, khích lệ lòng tin vào tiền đồ của tổ chức, huy động sức mạnh tập thể để vượt qua khó khăn là cách thể hiện bản lĩnh và năng lực quản lý nhân sự. Ở một giác độ nào đó, phải chăng việc người lãnh đạo tự tiên phong quyết định cắt giảm lương, thưởng hoặc phúc lợi của chính cá nhân mình sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào vực dậy sự tồn tại của tổ chức?

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.