.

Định hướng cho kích cầu

Tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam đã trở nên rõ ràng. Những dấu hiệu đình trệ bắt đầu xuất hiện trên phạm vi rộng ở hầu hết các ngành chủ lực như: Sản xuất công nghiệp - Xây dựng - Xuất khẩu - Đầu tư - Thu ngân sách - Du lịch - Vận tải - Thương mại dịch vụ...
 
Phong vũ biểu VNIndex/HASTC Index những tháng gần đây dường như chỉ lên xuống xoay quanh mốc 300/100 điểm, phản ánh tâm lý thiếu tự tin và thất vọng kéo dài trên thị trường chứng khoán. Trong phiên họp thường kỳ tháng 11-2008 mới đây, Chính phủ đã đề ra “Gói giải pháp 5 điểm” nhằm kịp thời ngăn chặn đà suy giảm, trong đó chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng được nhấn mạnh như là biện pháp pháp trọng tâm, đồng thời chính thức khởi động kế hoạch kích thích kinh tế với ngân khoản ban đầu khoảng 1 tỷ USD.

Những tín hiệu nói trên cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc đối đầu với thách thức khủng hoảng. Một thuận lợi hết sức cơ bản về điều hành vĩ mô là đã khống chế được vòng xoáy lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đang giảm dần, tạo điều kiện hạ nhanh lãi suất cơ bản. Hiện tại, với mức 10%/năm, khả năng sẽ còn giảm sâu thêm trong thời gian đến, lãi suất ngân hàng đã quay trở về mức trước lạm phát và không còn là trở lực chủ yếu đối với nền kinh tế.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhằm tổng động viên được các nguồn lực phát triển tham gia vào chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng theo hướng tích cực và hiệu quả. Mọi nỗ lực kích cầu, suy cho cùng phải nhắm đến mở rộng thị trường tiêu thụ đi đôi với tăng năng lực thanh toán cho các chủ thể tiêu dùng, tuy nhiên đây lại là con đường dẫn đến nguy cơ sa vào “Cái bẫy tái lạm phát”. Để hóa giải được bài toán này, cần định hướng mục tiêu kích cầu tập trung chủ yếu vào việc cải thiện năng lực cạnh tranh, phục vụ chiến lược hội nhập của quốc gia nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng.

Cụ thể hơn, cần kích cầu đúng trọng điểm vào những dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là các lĩnh vực y tế, giáo dục, các ngành nghề tạo nhiều công ăn việc làm; cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; nhanh chóng đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh. Kiên quyết chống tình trạng lạm dụng kích cầu để đầu tư dàn trải vào những dự án kém hiệu quả, không trực tiếp sinh lợi dài hạn cho nền kinh tế, gây lãng phí ngân sách, hoặc khuyến khích tiêu dùng phung phí. Trước mắt, cần thông qua chủ trương kích cầu để kích thích và nuôi dưỡng nhu cầu thị trường nội địa, lấy đó làm nền tảng và là chỗ dựa để bảo vệ sản xuất trong nước nhằm ứng phó trước sự suy giảm nhanh của thị trường nước ngoài...

Ở một góc độ khác, cần chủ động đón nhận suy thoái toàn cầu như là “cơ hội hiếm có” để tận dụng khai thác các lợi thế quan trọng, đặc biệt là vốn đầu tư, tri thức chất xám, công nghệ cao...  với  “giá cả đầu vào” đang có xu hướng rẻ đi, thông qua đó mở rộng năng lực đầu tư chiều sâu, tạo cú hích cho tiến trình phát triển bền vững.

Mặt khác, trong hoàn cảnh nước ta, để hiệu quả kích cầu đạt đến tiềm năng cao nhất, cần mạnh dạn nghiên cứu ban hành những chính sách đúng đắn, nuôi dưỡng sức dân, khuyến khích phát huy nội lực, không nên trông chờ vào nguồn lực ngân sách vốn dĩ rất hạn chế và cơ chế sử dụng vốn còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Trong lúc này, rất cần những chủ trương nhằm động viên các nhu cầu sử dụng hàng sản xuất trong nước, kịp thời miễn giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngăn chặn đà giảm giá nông sản để vực dậy đời sống nông dân...
 
Để vượt qua khủng hoảng thành công, không chỉ Chính phủ mà từng người dân cũng cần nhận thức rõ hơn về những thách thức trước mắt, chủ động điều chỉnh, thích nghi với thời cuộc, hơn lúc nào hết bản thân mỗi người nên tự biết cần phải làm gì để tích cực tham gia vào tiến trình kích cầu, chung tay góp sức bảo vệ tương lai phát triển của đất nước?

 V.P

;
.
.
.
.
.